Đảo Lý Sơn, còn có tên là Cù lao Ré là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi. Lý Sơn có 3 xã là An Vĩnh, An Hải (nằm trên đảo lớn) và An Bình (đảo bé).
Lý Sơn có bề dày lịch sử văn hoá lâu đời. Những cư dân người Việt đã khai phá đảo Lý Sơn từ thế kỷ 16. Đặc biệt, Lý Sơn là quê hương của Hải đội Hoàng Sa. Chính nơi đây, từ thời những chúa Nguyễn xứ Đàng Trong, Đội Hoàng Sa đã được thành lập và hoạt động, những binh phu Hoàng Sa đã vượt sóng gió Biển Đông để xác lập chủ quyền của nước Việt ở các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Hiện nay, trên hòn đảo nhỏ bé và xinh đẹp này có tới hàng chục di tích liên quan đến Hải đội Hoàng Sa, là minh chứng Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam.
Đảo lớn Lý Sơn được hình thành bởi 5 ngọn núi lửa (đã ngừng hoạt động), có diện tích trên 10 km2 với số dân hơn 20.000 người.
Truyền thuyết dân tộc Kor kể rằng, đảo Lý Sơn là một phần của vùng núi Trà Bồng trôi dạt về phía Biển Ðông sau trận giao tranh dữ dội của Thần Nước và người anh hùng Doang Ðác Tố, chủ làng Tali Talok.
Thật ra, theo các nhà địa chất, hòn đảo xinh đẹp này được hình thành cách đây vài triệu năm do vận động phun trào nham thạch của các núi lửa phủ lên nền những nếp gấp tạo sơn đã bắt đầu nâng những lớp đá trầm tính nhô khỏi mặt nước biển. Chính các lớp trầm tính nền đảo và san hô phát triển trên bề mặt là cơ sở cho việc hình thành nhiều hang động cổng đá do tác động xâm thực của nước biển trong thời kỳ biển tiến, mà ngày nay chúng ta nhìn thấy được ở khu vực hòn Thới Lới, nơi vận động tạo sơn theo kiểu xếp nếp đã đẩy các lớp trầm tính đáy biển nhô cao hơn cả trong hệ thống đảo Lý Sơn. Còn vết tích núi lửa là những khối nham thạch nhiều hình dạng chưa kịp phân hủy, cũng như lớp đất đỏ bazan màu mỡ phủ hầu hết khắp đảo, tạo điều kiện cho sự đa dạng và tươi tốt của hệ thực vật che phủ.
Có thể nói rằng, toàn cảnh đảo Lý Sơn là một thắng cảnh thiên nhiên độc đáo với năm ngọn núi nhô cao giữa một vùng trời biển bao la mà những ngày đẹp trời từ ngọn núi Nam Châm (Nam Trân – ngọn núi cao nhất nằm ở ven biển, thuộc khu vực Dung Quất) ta có thể nhìn thấy khá rõ. Trên đỉnh ngọn núi làm những thảm rừng, gần dưới chân là nhà cửa, đường sá và những cánh đồng hành tỏi xanh tươi bốn mùa.
Chùa Hang, hang Câu, cổng tò vò đá, những bãi đá sót, hợp cùng những đền chùa, miếu mạo thành một hệ thống các di tích có giá trị. Ba trong số đó là Chùa Hang, Đình Làng Lý Hải, Âm Linh Tự đã được Bộ Văn hóa -Thông tin công nhận di tích Lịch sử văn hóa quốc gia.
Quảng Ngãi tỉnh chí (Nguyễn Bá Trác – Nguyễn Ðình Chi) ghi chép về Lý Sơn như sau:
“Ở NGOÀI BỂ TỈNH Quảng Ngãi lại có một hòn cù lao gọi là Lý Sơn (Poulo Canton).
Cù lao Lý Sơn thì gồm có hai làng: An Hải phường và An Vĩnh phường.
Hai làng ấy cũng có dân ở đông đúc, cù lao ấy cách đất liền chừng nửa ngày thuvền trong lúc thuận buồm xuôi gió.
Trên cù lao ấy nhà nước có lập một cây đèn chiếu “phare ” để dẫn đường cho tàu thủy qua lại”.
Nguồn: https://daolyson.info/lich-su/lich-su-hinh-thanh-dao-cu-lao-re-dao-ly-son/