02/08/2021
LÍNH ĐẢO THỔ CHU
(phần tiếp)
Hòn Từ là một trong số tám hòn đảo lớn của xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang), có diện tích tương đương 1km². Đứng trên đồi cao ở trung tâm xã đảo có thể nhìn thấy nhiều đảo lớn nhỏ, chìm nổi trên mặt biển xanh thẳm. Hòn Từ như một bức tường chắn sóng bão mùa gió Nam thổi trực tiếp vào Bãi Dông. Đã đến hẹn rồi nhưng gần một tuần trôi qua, chúng tôi chưa mang lương thực, thực phẩm sang Hòn Từ tiếp tế cán bộ, chiến sĩ đang đóng quân ở đó. Các anh Trung đoàn 152 nói đang mùa áp thấp nhiệt đới, gió cấp bốn cấp năm nên không thể đi được vì ngược sóng. Anh em tuy rất sốt ruột, song phải chờ!
Tin áp thấp nhiệt đới vẫn chưa suy giảm. Anh em bên Hòn Từ biết tuần trước đã có tàu rời Phú Quốc cập cảng Thổ Chu mang theo một số nhu yếu phẩm nên không thể để họ đợi lâu hơn nữa. Thường khi sóng biển lặng, có thể sử dụng tàu nhỏ của Trung đoàn 152 qua Hòn Từ, giờ thì đành thuê tàu chuyên chở hàng hóa từ Rạch Giá ra đây để sang Hòn Từ. Ông chủ tàu bảo, do biển động nên tàu chưa thể về đất liền nhưng vì chở đồ cho bộ đội bên Hòn Từ nên miễn phí.
Con tàu trên trăm tấn nhổ neo, rời cầu cảng khi những tia nắng đầu ngày vàng óng trải xuống mặt biển xanh biếc. Gió dìu dịu. Sóng lăn tăn. Tôi bảo thời tiết hôm nay đẹp, đi như thế này có gì phải sợ. Anh tài công nheo mắt, miệng mỉm cười mà giọng oang oang lẫn trong tiếng sóng: “Tàu mình chưa ra biển đâu, còn ở đáy hình chữ U. Vượt ra khỏi vách núi này anh sẽ thấy, nước văng lên sàn tàu, tràn cả vào buồng lái. Anh nên bỏ máy móc vô túi đi!”. Như để minh chứng cho lời anh tài công là mũi tàu chồm lên rồi hạ xuống đột ngột hứng trọn một con sóng ập lên sàn tàu. Anh bạn đồng nghiệp trẻ chưa lần nào đi biển, đang đứng tận hưởng niềm sung sướng rạng ngời trước trời biển bao la vội chui tọt vào buồng lái, mặt biến sắc. “Anh có bọc ni lông không?”. Anh tài công cười: “Say sóng không giống say xe. Anh ngồi còn không vững thì tay đâu cầm bọc. Anh lên võng nằm đi, tôi lấy cho anh… cái thau!”. Anh bạn trẻ tròn mắt nhưng không hỏi, leo ngay lên võng.
Những cơn gió nam thổi tới tấp, sóng biển đánh vào mũi tàu từng đợt, con tàu gần như… dậm chân tại chỗ. Còn nhớ cách đây mười năm, tôi cũng có từng ấy thời gian công tác ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang, thỉnh thoảng có ra một vài đảo công tác nhưng đây là lần đầu tiên tôi vượt sóng lớn như thế này. Tuy có chút lo lắng nhưng vẫn muốn đi. Thượng tá Vũ Văn Trung, Chính ủy Trung đoàn 152 Quân khu 9, bảo rằng các bạn trẻ bây giờ rất tuyệt vời, không chỉ có kiến thức về mọi mặt mà còn có tinh thần tiến lên phía trước như cha ông ngày xưa. Cho dù biết là khó khăn và vất vả đó, gian khổ và thiếu thốn đó nhưng vẫn sẵn sàng chấp nhận. Đi không chỉ khám phá những điều mới mẻ của thế giới xung quanh mà còn tự vượt lên chính mình. Lời anh Trung làm tôi cảm thấy tự hào dù mình đã bước vào tuổi bốn mươi, nghĩa là gấp đôi tuổi trẻ như chúng ta thường nghĩ. Anh Trung kể: “Hồi tôi thi vào trường sĩ quan, mang theo ước mơ của mình sẽ được ra đảo phục vụ, nhưng mãi đến bây giờ, sau gần hai mươi năm gắn bó với Sư đoàn 8 Quân khu 9, mới thực hiện được. Ngồi lên tàu ra đảo tôi rất bồi hồi, buồn vui lẫn lộn. Buồn là vì chia tay đơn vị cũ, còn vui là được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ ra đảo công tác. Khi tàu cập cảng Thổ Chu, thấy anh em ra đón tôi càng xúc động! Rồi đi vòng quanh đảo tôi thật sự ngỡ ngàng trước nét đẹp của bãi biển hoang sơ với những hàng dừa cao vút soi mình xuống mặt biển xanh thẳm và nhiều đảo lớn nhỏ, chìm nổi. Tất cả người dân nước Việt luôn hướng về biển đảo với tình cảm thân thương và sự quan tâm chu đáo, nhất là dịp tết, các đoàn từ đất liền mang hơi ấm ra đảo để tiếp thêm niềm tin và nghị lực bảo vệ biển đảo cho người lính chúng tôi”. Hỏi thăm anh về gia đình ở quê hương Thanh Hóa, thoáng chút ưu tư, anh Trung nói: “Tính ra cũng mười mấy năm tôi ăn tết xa nhà. Ngày tết không về được nhưng tôi đã làm “công tác tư tưởng” cho vợ con nên quen rồi”. Nói vậy, nhưng trong sâu thẳm, tôi hiểu được nỗi niềm của người lính đảo đã có “thâm niên” xa nhà trong mỗi dịp mừng năm mới.
Khoảng cách từ Thổ Chu qua Hòn Từ chừng ba hải lý, chúng tôi phải mất gần ba giờ cưỡi sóng, nhưng cũng không vào được đảo. Tàu phải buông neo ngoài xa, sau đó dùng xuồng máy đuôi tôm lần lượt vào đảo. Chiếc xuồng nhỏ chòng chành, chao nghiêng ngỡ tưởng lật úp giữa những con sóng biển. Lên bờ, chúng tôi phải leo dốc một đoạn nữa mới đến doanh trại của đơn vị. Thượng úy Nguyễn Huy Cường, quê Bình Đại (Bến Tre), sau khi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2 được điều ra đảo công tác. Trước đây, anh ở Cụm Chiến đấu 2 bên Thổ Chu, ba năm nay anh được điều sang đây làm trung đội trưởng. Anh kể, cuộc sống ở đây có quá nhiều cái “không” so với ở Thổ Chu chứ chưa dám so với đất liền, trong đó cái quan trọng nhất chính là không thông tin. Cả đảo chỉ có một chỗ duy nhất bắt được sóng điện thoại di động, nhưng cứ chập chờn, gián đoạn, khi cần thiết lắm mới chạy lên đỉnh gọi cho ai đó để báo tin. Vài lần anh Cường bị người yêu ở quê giận hờn vì “không thương em sao mới nói mấy câu đã cúp máy?!”. Mỗi buổi tối, đơn vị chạy máy phát điện xem thời sự, còn báo chí thì một tuần mới nhận được theo chiếc xuồng qua chợ xã đảo Thổ Chu mua lương thực, thực phẩm. Những khi biển động dài ngày, xuồng nhỏ không đi được thì nhờ các tàu đánh cá chở giúp. “Các tàu này cũng thường xuyên neo đậu ngoài khơi, ngư dân bơi vào đảo chơi thể thao với chiến sĩ nên coi nhau như anh em. Thỉnh thoảng, họ cũng ghé cho cá và xin nước ngọt. Vào ngày nghỉ, các chiến sĩ đi câu mực về cải thiện thêm”, anh Cường kể.
Trên đảo Hòn Từ, trước đây có nuôi gà nhưng bị thú rừng ăn mất, giờ chỉ nuôi heo. Hiện nay, đơn vị có bảy con heo đẻ, một con heo đực để phối giống và trên hai chục chú heo con. Binh nhất Đào Phước Thắng (quê TP Cần Thơ) nói vui: “Khi tụi em huấn luyện thì đàn heo đi chơi, đến giờ cơm mới lần lượt kéo về. Bọn nó có thời gian nên biết hết đồi dốc, hang hốc khắp đảo, còn tụi em thì chưa!”. Đất đai cằn cỗi nhưng anh em vẫn tận dụng trồng củ quả trên giàn để tránh heo… ăn trước, bảo đảm tự cung tự cấp 90% vào mùa mưa. Mùa nắng thì nước ngọt rất khan hiếm, chủ yếu dành cho sinh hoạt. Chiến sĩ Thắng cầm miếng dưa hấu do đoàn mang ra, vừa cười vừa nói rất thích thú mà làm mọi người muốn rơi nước mắt: “Thèm nhưng mấy tháng rồi mới ăn được món này”. Đi vòng quanh đảo, chúng tôi thấy ở đây cơ man nào là dừa. Dừa cứ vươn cao, thẳng đứng ven bờ đảo cát trắng xóa mà soi mình xuống biển xanh. Đây là nguồn thu lớn của đơn vị. Hàng tháng có người bên Thổ Chu sang mua mỗi trái 5.000 đồng, trung bình bán được từ 500.000 – 700.000 đồng/tháng. Vườn điều của đơn vị hiện nay đã già nên ít cho trái, năm nay chỉ thu được hơn ba tạ, chở vào Phú Quốc bán 8.000 đồng/kg.
Những ngày đầu, các chiến sĩ mới biên chế ra Hòn Từ, nói không buồn là… nói dóc. Như trường hợp binh nhất Nguyễn Xuân Đoàn (quê TP Cần Thơ). Sau khi tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin và làm thiết kế đồ họa cho một công ty tư nhân tại TP. Hồ Chí Minh được hai năm thì có lệnh gọi nhập ngũ. “Ngày đó, em không nghĩ rằng mình sẽ ra đảo, nhưng rồi cuộc sống thiếu thốn đã gắn kết anh em với nhau càng trở nên thân thuộc. Vừa rồi em có đề đạt nguyện vọng chuyển quân nhân chuyên nghiệp phục vụ lâu dài trong quân đội”, Đoàn chia sẻ. Rồi Đoàn giới thiệu trung sĩ Nguyễn Văn Thức, Khẩu đội trưởng súng máy phòng không 12 ly 7 – người được xem là “linh hồn” trong mọi hoạt động phong trào của đơn vị, bởi chất tếu táo, hay pha trò của người con quê vọng cổ Bạc Liêu. “Thời gian mới ra đảo, lúc em ngồi gác nhìn trời biển bao la, vắng lặng trong đêm, chỉ thấy thấp thoáng khơi xa nhấp nháy ánh đèn của ngư dân, nghe tiếng gió và sóng vỗ vào ghềnh đá mà nhớ nhà da diết, nhớ đồng đội từng học tập, rèn luyện ở thao trường Chi Lăng – Thức nói mà như ca bản nam xuân – Nhưng rồi em nghĩ tới nhiệm vụ nên buồn hoài cũng… chán, phải kiếm cái gì đó làm cho cuộc sống vui tươi hơn. Vậy là em để ý mọi chuyện xung quanh, nắm bắt tin tức rồi “biến chuyển” nó thành câu chuyện của đồng đội, kể cho anh em nghe chơi. Bây giờ mọi người hay nói em… nhiều chuyện, nếu em xếp nhì thì không có ai đứng nhất cả! Cũng là do mấy anh ở Đài Truyền hình Việt Nam ra đây phỏng vấn em rồi khen vậy thôi, chứ em thấy có gì đâu. Miễn sao mỗi ngày cứ… cười là ngon!”.
Có lẽ, với suy nghĩ và cách nói hài hước của Thức đã góp phần làm cho cuộc sống người lính trên đảo Hòn Từ bớt tẻ nhạt, cô đơn hơn. Bởi đây là một đơn vị độc lập, đóng quân cách trở, xa sự lãnh đạo, chỉ huy của cấp trên nên mọi việc lớn nhỏ phải tự giải quyết, nhất là trong quan hệ cấp trên – cấp dưới, giữa đồng chí đồng đội với nhau. Có đôi lúc anh em bất hòa, trung đội trưởng Cường rất bực nhưng phải làm chủ cảm xúc, chế ngự sự tức giận. Cũng may là từ lúc Cường qua đây, đơn vị anh chưa hề xảy ra sự việc đáng tiếc nào. Đó cũng một phần nhờ các chiến sĩ thông suốt nhiệm vụ, giữ vững đoàn kết, biết yêu thương và chia sẻ trong điều kiện thiếu thốn hay hoàn cảnh khắc nghiệt, vẫn kiên cường bám trụ và chưa một ai rời vị trí chiến đấu!
Tôi mơ màng nghĩ về những người lính Hòn Từ, về tình cảm anh em như một gia đình dẫu còn đó bao khó khăn, thiếu thốn, thử thách tinh thần và sức khỏe người lính, thì anh bạn “bắn” cho tôi một tin nóng hổi: “Trung đoàn 152 vừa bắt được cướp biển!”. Tôi vội bấm máy điện thoại, Chính uỷ Vũ Văn Trung xác nhận: “Đúng rồi. Chiến công đầu thuộc về Binh nhất Trần Hoàng Tuấn, chiến sĩ ở Cụm chiến đấu 1. Sau sự việc này, Tuấn được đơn vị và Quân khu khen thưởng, đồng thời thăng quân hàm vượt cấp từ binh nhất lên trung sĩ. Mặt khác, Tuấn được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng khen tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”, là một trong 20 gương mặt tiêu biểu toàn quân được Bộ Công an tuyên dương trong “Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Hiện đơn vị đang hoàn tất thủ tục đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3 cho Tuấn”.
Tôi tìm hiểu thông tin thấy trên Báo Quân khu 9 có bài viết về Binh nhất Trần Hoàng Tuấn, xin trích một đoạn: “Ngày 11-6, tàu Orkim Harmony trọng tải 7.300 tấn, chở 6 ngàn tấn xăng không pha chì xuất phát từ Singapore đến cảng Johor của Malaysia. Khi tàu cách cảng khoảng 30 hải lý thì bị cướp biển khống chế, lúc này trên tàu có 22 thuyền viên và giá trị hàng hoá tương đương 5,6 triệu USD. Sau khi cướp tàu Harmony, bọn cướp biển đã rời tàu, tẩu thoát bằng xuồng cứu sinh được cố tình sơn đen che đi biển số gốc, thay đổi số hiệu và số IMO (số đăng ký hàng hải quốc tế) để dễ dàng trốn thoát. Tới ngày 13-6, các cơ quan chức năng Việt Nam nhận được thông báo từ Trung tâm Điều phối cứu nạn hàng hải và thực thi pháp luật trên biển Malaysia, và đã triển khai các lực lượng phối hợp truy lùng toán cướp biển. Lúc 6 giờ 15 phút ngày 19-6, Binh nhất Trần Hoàng Tuấn đang thực hiện nhiệm vụ trực quan sát tại vọng Bãi Nhất (đảo Thổ Chu, Phú Quốc, Kiên Giang) thì phát hiện một chiếc xuồng cứu sinh không có số hiệu chạy vào đảo, Tuấn nhanh chóng báo cáo về chỉ huy đơn vị. Đến 6 giờ 30 phút, xuồng cập bờ, tám tên cướp vũ trang quốc tịch Indonesia giả dạng ngư dân gặp nạn có ý định tìm đường trốn trên đảo, Tuấn đã ra lệnh yêu cầu các đối tượng dừng lại. Ngay sau đó đồng đội cũng có mặt, lập tức khống chế, bàn giao cho các cơ quan chức năng”.
Những ngày sống với người lính đảo Thổ Chu, chúng tôi cảm thấy ấm áp như một gia đình, dẫu còn đó những thiếu thốn, cách trở nhưng đã bị khỏa lấp bởi niềm tin tưởng, lạc quan, yêu đời của tuổi trẻ thời đại mới là dám dấn thân, sẵn sàng cống hiến, thậm chí nếu phải hy sinh vì hai tiếng thiêng liêng: Tổ quốc! Tôi lại nhớ câu ca:“Cuộc sống ở đây còn nhiều vất vả nhưng lính vẫn vui vẫn ca hát yêu đời. Những đêm trăng lên những đêm thật tuyệt vời. Người lính đảo tuần tra quanh đất đảo không cho kẻ thù nuôi tham vọng cuồng điên”.
HỒ KIÊN GIANG
--------------------------
Cre: Hồ Kiên Giang