07/12/2021
HUYẾT RỒNG – CUỘC CHUYỂN GIAO QUYỀN LỰC ĐẨM MÁU VÀ NƯỚC MẮT
“ Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam “
Những năm gần đây, ngành Điện ảnh Việt Nam đã liên tục cho ra đời nhiều bộ phim cổ trang mang tính dã sử như: Thiên Mệnh Anh Hùng, Về đất Thăng Long, Tây Sơn Hào Kiệt... và gần đây nhất là dự án phim dã sử mang tên “Huyết Rồng” do đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cùng ekip đã biên kịch và sáng tác.
“Huyết Rồng” mang đến một giá trị văn hóa rất riêng, thể hiện ngọn lửa đam mê lịch sử và khát khao tìm hiểu về cội nguồn dân tộc. Với tôi, tên phim không đơn giản chỉ là tạo cho bộ phim sự độc đáo, khác lạ hay định danh thương hiệu mà ẩn sâu trong đó mang những ý nghĩa sâu sắc và những thông điệp mà ekip làm phim muốn truyền tải đến tất cả mọi người.
MỐI QUAN HỆ CỦA CÁC NHÂN VẬT CHÍNH TRONG PHIM
Lê Hoàn (941 – 1005): lên ngôi lấy niên hiệu là Lê Đại Hành, ông có 5 hoàng hậu, 13 người con (11 người con trai, 1 người con gái, 1 người con nuôi) đều được phong vương.
Lê Long Việt (? – 1005) và Lê Long Đĩnh (986 –1009) là do con gái quan Chi hậu tên
là Diệu (không rõ họ) hạ sinh.
Lê Thị Phất Ngân ( 981?–?): con gái của Hoàng đế Lê Đại Hành và Đại Thắng Minh Hoàng hậu Dương Vân Nga. Bà là chị em cùng cha khác mẹ với Lê Long Việt, Lê Long Đĩnh và là vợ của Lý Công Uẩn.
Lý Công Uẩn (974 – 1028): từ nhỏ đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường, ông là chồng của Phất Ngân công chúa.
Lê Long Đĩnh (986 –1009) là con trai thứ 5 của Lê Đại Hành. Ông là vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê, trị vì bốn năm từ 1005 đến 1009. Cái chết của ông ở tuổi 24 dẫn đến việc chấm dứt nhà Tiền Lê, quyền lực rơi vào tay nhà Lý. Trong chính sử, ông được mô tả là người bạo ngược, tính hay chém giết. Người đời thường bảo rằng ông là một vị vua ác độc, hoang dâm vô độ, không chăm lo cho triều chính đất nước.
CÁCH NHÌN KHÁC VỀ VUA LÊ LONG ĐĨNH – CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
Thế nhưng, gần đây giới sử học Việt Nam đã có những cách nhìn khác về vị vua tai tiếng này, cho rằng ông đã bị các sử gia thời sau bôi nhọ để phục vụ ý đồ của nhà cai trị.
Trên thực tế, theo Đại Việt sử ký toàn thư, ngay trong năm đầu tiên làm vua "Ngự Bắc Vương cùng Trung Quốc Vương chiếm trại Phù Lan làm phản. Vua thân đi đánh". Tiếp đó: "... đem quân đánh Ngự Man Vương ở Phong Châu. Ngự Man Vương phải chịu hàng... Từ đấy về sau các vương và giặc cướp đều hàng phục cả" (sách đã dẫn). Và giữa lúc đánh trại Phù Lan "chợt thấy trạm báo tin là giặc Cử Long vào cướp đã đến cửa biển Thần Đầu (nay là cửa biển Thần Phù). Vua về đến sông Tham đi sang Ái Châu để đánh giặc Cử Long" (sách đã dẫn).
Khi chinh phạt Ái Châu, vì việc người dân lội sông Vũ Lung thường bị hại (chết đuối), Nhà vua cho đóng thuyền tại bốn bến sông, cho đào mương, đắp đường dựng cột bia, sửa chữa đường sông ở vùng cửa Sót (Hà Tĩnh) để dân đi lại cho tiện. Những việc làm rất "dân túy" và minh mẫn trái ngược lại những ghi chép về tính hiếu sát bệnh hoạn của vua Lê Long Đĩnh.
Bên cạnh tài năng quân sự, Lê Long Đĩnh còn chứng tỏ năng lực lớn trong trị quốc và bang giao. Chỉ vài tháng sau khi đăng cơ, nhà vua cho sửa đổi lại triều đình theo cung cách nhà Tống, triều đình Đại Cồ Việt giờ mới có quy củ nề nếp.
Nhiều nguồn sử liệu khẳng định, ông là người trọng vọng Phật giáo và là ông vua đầu tiên cử người đi lấy kinh Đại Tạng về cho Việt Nam. Ông cũng được coi là một ông vua có tư duy kinh tế và một nhà quân sự có kinh nghiệm. Trong bốn năm làm vua, Lê Long Đĩnh đã sáu lần trực tiếp làm tướng cầm quân ra trận, lần cuối cùng chỉ cách hai tháng trước khi ông mất. Nhờ tài năng quân sự và sự nghiêm khắc của Lê Long Đĩnh mà nước Việt không bị chia năm xẻ bảy sau cái chết của Hoàng đế Lê Hoàn.
Cầm quân đánh giặc liên miên như vậy phải là một người cường tráng, người "dâm dục quá độ, mắc bệnh không ngồi được" sao có thể làm nổi??? Một vị vua như vậy thì không thể là người ham mê sắc dục đến bỏ bê chính sự và bệnh nặng đến mức liệt giường
GIẢI MÃ HUYẾT RỒNG
Tại sao tác giả không đặt tên cho bộ phim là Máu Rồng hay Long Huyết mà lại đặt tên là Huyết Rồng? Cái tên nghe không hề thuần Việt chút nào cả.
Dưới góc nhìn và quan điểm cá nhân của mình, tôi muốn được chia sẻ đôi điều để mọi người có thể có cái nhìn đa chiều hơn về tên phim Huyết Rồng cũng như là hiểu rõ hơn về những thông điệp giá trị mà tác giả sẽ truyền tải đến chúng ta. Vậy từ huyết có nghĩa là gì? Tại sao tác giả lại dùng từ huyết thay cho từ máu?
Huyết (血) hiểu theo nghĩa đen: máu – một dạng chất lỏng, chảy trong cơ thể có nhiệm vụ cung cấp chất dinh dưỡng và nuôi dưỡng cơ thể, giúp chúng ta duy trì sự sống. Hiểu theo nghĩa bóng ám chỉ những người chảy cùng một dòng máu, cùng cha hoặc mẹ sinh ra được gọi là huyết thống.
Long (龙) tên Hán Việt của rồng – một loại sinh vật tưởng tượng trong văn hóa Phương Đông và Phương Tây, Rồng chính là loài vật đứng đầu trong tứ linh gồm Long Lân Quy Phụng, là linh vật rất được người Việt sùng bái. Rồng còn là biểu tượng cho quyền lực và sức mạnh tối cao của các đấng thiên tử (Vua).
“Huyết Rồng” ngoài việc nói về cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật chính là vua Lê Long Đĩnh, bên cạnh đó bộ phim đề cập đến một vấn đề vẫn thường hay xảy ra trong chế độ phong kiến – cuộc tranh giành quyền lực và ngôi vị của chính những người đang chảy cùng một dòng máu, cùng chung sống trong một gia đình mà người ta vẫn thường hay gọi đó là cuộc tranh giành cuả huyết thống hoàng tộc.
Lịch sử đã ghi cuối năm 1009 vua Lê Long Đĩnh băng hà thì hai vị quan trong triều đình lúc bấy giờ là Đào Cam Mộc và Sư Vạn Hạnh đã suy tôn tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Đây được xem là cột mốc chấm dứt sự tồn tại của nhà Tiền Lê và cũng là cột mốc đánh dấu sự ra đời của triều đại nhà Lý. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu một cách nhìn khác về cuộc đời – sự nghiệp của vua Lê Long Đĩnh, tôi tự hỏi rằng liệu đây có phải là một cuộc chuyển giao đơn giản như trước giờ hậu thế chúng ta đã từng biết như trong sử sách ghi chép không?
Sở dĩ có thể nói như thế là bởi vì theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục ghi lại rằng: “Khi vua Long Việt bị giết, bầy tôi đều chạy trốn cả, chỉ có Điện tiền quân Lý Công Uẩn ôm thây vua mà khóc”. Với dẫn chứng trên thì việc Lê Long Đĩnh giết anh phải chăng chúng ta cũng cần nên xem xét lại và chỉ nên coi đây là một "nghi án" và hậu thế có lẽ không nên vội vàng kết luận.
Đại Việt sử ký tiền biên cũng có ghi chép như sau: "Lý Thái Tổ rất căm phẫn trước tội ác giết anh cướp ngôi của Khai Minh Vương (tức Lê Long Đĩnh), nhân lúc Khai Minh Vương bệnh tật, sai người vào đầu độc giết đi rồi giấu kín việc đó, nên sử không được chép lại. Vậy phải chăng cái chết bí ẩn của vua Lê Long Đĩnh mãi mãi là một ẩn số.
Dẫu biết rằng sử sách ghi chép đây là một cuộc chuyển giao quyền lực chẳng hao một binh một tốt, chẳng hề rơi bất kì một giọt máu nào, thế nhưng bên trong có ai biết rằng đây lại là một cuộc tranh giành quyền lực đẫm máu và nước mắt giữa những người cùng chung một huyết thống hoàng tộc họ Lê.
Xét về Lý Công Uẩn – có thể nói ông là một người có tài năng, được vua Lê trọng dụng và suy tôn lên làm Tả Thân Vệ Điện Tiền Chỉ Huy Sứ – quyền lực có thể nói là dưới một người nhưng trên vạn người. Về đức độ của ông thì dĩ nhiên là hậu thế chúng ta không có quyền phán xét nhưng ai cũng biết rõ ông chính là chồng của công chúa Lê Thị Phất Ngân. Khi có trong tay quyền lực, con người tất phải tham vọng và muốn đạt được ngôi vị cao nhất. Lý Công Uẩn lên ngôi, không chỉ đơn giản là có sự đồng thuận của lòng dân mà biết đâu còn có sự tác động của Phất Ngân công chúa.
Nhìn lại dòng chảy lịch sử, qua những dẫn chứng trên thì chúng ta có thể thấy rằng Lê Long Đĩnh cũng không hẳn là một vị vua đam mê tửu sắc hay hoang dâm vô độ, tàn nhẫn, ác độc như sử sách đã ghi chép. Nếu những dẫn chứng trên đúng là sự thật thì tôi tự hỏi rằng phải chăng hậu thế chúng ta đã nợ ông một tiếng cảm ơn và một lời xin lỗi.
“Huyết Rồng”là bộ phim mà tôi nghĩ rằng khi công chiếu chắc chắn là sẽ nhận được sự ủng hộ của rất rất nhiều quý vị khán giả. Dù biết rằng đây chỉ là một bộ phim dã sử, thế nhưng thông qua bộ phim này, tác giả sẽ giúp chúng ta có cái nhìn khác về vị vua Lê Long Đĩnh, hiểu rõ hơn về cuộc tranh giành quyền lực đẫm máu và nước mắt giữa những người có cùng huyết thống trong hoàng gia đồng thời tác giả cũng giúp chúng ta có cái nhìn về lịch sử nước nhà ở một góc độ đa chiều hơn và nhiều cảm xúc hơn