16/07/2023
"Du Lịch" là một ngành nghề dịch vụ mà ở nơi đó ngoài những điều kiện thuận theo tự nhiên thì còn cần ở đó sự cố gắng, nỗ lực và cách nhìn nhận khách quan, trung thực của chính quyền địa phương và cư dân bản địa. Mong rằng sẽ có nhiều địa điểm tốt để du khách có thể lựa chọn dừng chân và trải nghiệm cuộc sống.
--------------------------------------------------
CÓ NƠI THÌ DU KHÁCH TÌM ĐẾN, NƠI KHÁC THÌ LẠI BỊ DU KHÁCH QUAY LƯNG.
Nếu mình nói với các bạn rằng, nếu trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, điểm thu hút nhiều khách du lịch nội địa nhất Việt Nam 6 tháng qua là Sầm Sơn, các bạn có tin không? Không những vậy, Sầm Sơn còn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Và vươn lên đứng thứ 4 trong danh sách các tỉnh, thành có doanh thu du lịch cao nhất cả nước. Điều gì khiến Sầm Sơn phát triển như vậy? Liệu người dân Thanh Hóa đã làm gì để biến một thành phố từng được với khá nhiều “tiếng” không tốt lành gì trong nhiều năm về trước, trở thành một điểm đến đông đúc như vậy trong thời điểm hiện tại và tương lai?
Đà Nẵng cũng là một thành phố hồi phục du lịch rất tốt sau đại dịch trước rất nhiều thách thức lớn cho cả ngành du lịch nói chung. Trong khi Sầm Sơn thu hút khách du lịch nội địa thì Đà Nẵng lại chứng tỏ sức hút với du khách quốc tế khi trong 6 tháng đầu năm, số lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng tăng hơn 11 lần so với năm trước. Tổng doanh thu du lịch của Đà Nẵng đứng thứ 5 cả nước còn xét về mặt tăng trưởng khách quốc tế thì dẫn đầu cả nước.
Trong khi du lịch Việt Nam nhìn chung vẫn gặp nhiều khó khăn trong một năm bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nền kinh tế trong và ngoài nước thì thì hai nơi này vẫn duy phát triển một cách rất ấn tượng. Người dân, doanh nghiệp và chính quyền của Đà Nẵng và Sầm Sơn có một đặc điểm chung trong cách làm du lịch, đó có thể gọi đơn giản là không tự dưng để du khách đến, mà cải thiện ngay từ nội tại hạ tầng, quy hoạch tốt du lịch.
Trong khi Sầm Sơn là thành phố trực thuộc tỉnh với diện tích chỉ vào khoảng trên 40 cây số vuông, nhưng lại hút tới 6 triệu khách du lịch. Từ một điểm đến “gọn nhẹ”, Sầm Sơn đã được quy hoạch lại cả về giao thông, lưu trú, các công trình biểu tượng mới như Quảng trường biển nhạc nước lớn bậc nhất Bắc Trung Bộ, cải tạo dòng sông Đơ và quy hoạch lại các tuyến xả thải ra biển, rồi tổ chức các sự kiện du lịch như Carnival, Sun Fest….Dĩ nhiên, làm là một chuyện và có giữ được khách và khiến cho du khách truyền tai nhau mới là điều quan trọng. Nếu như bản thân người dân Sầm Sơn và chính quyền không tự ý thức được rằng làm du lịch là phải từ tâm và chuyên nghiệp, thì khách đến rồi cũng sẽ đi. Thật may là Sầm Sơn đang quản lý cực kỳ tốt và chuyên nghiệp, xử phạt rất mạnh tay. Từng là “điểm đen” chặt chém trở thành một nơi “đáng đi” và gom khách của cả miền Bắc.
Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng đã trở thành một điều không thể thiếu khi nói đến du lịch Đà Nẵng, thậm chí trở thành một lễ hội biểu tượng của du lịch miền Trung. Nếu nhìn vào số liệu du lịch Đà Nẵng trong mùa lễ hội pháo hoa, hẳn là người ta sẽ ngạc nhiên về một lễ hội thu hút được quá nhiều sự chú ý. Ví dụ như số chuyến bay tăng lên tới 50% lên 150 chuyến/ngày, công suất buồng phòng trong thành phố luôn duy trì 70% - ở mức cao… Lễ hội pháo hoa có thể là một lễ hội quen thuộc, nhưng pháo hoa thì mỗi năm mỗi khác, không năm nào giống năm nào… Và dần dần, cùng với Bà Nà, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, những cây cầu… Lễ hội pháo hoa cũng là một thứ mà người ta luôn đón chờ khi đến Đà Nẵng. Người Đà Nẵng đối với Sungroup đi từ thái độ của một chủ nhà nồng hậu chào đón vị khách phương xa 16 năm trước, nay đã chuyển thành tình cảm tự hào, trân trọng người đồng bào có tâm, có tầm chung vai gánh vác với quê hương. Với thành công của lễ hội pháo hoa quốc tế, của Bà Nà, Sungroup đã không chỉ cho thấy được dấu ấn đóng góp của mình đối với vùng đất, mà còn là tầm nhìn của người làm du lịch và giá trị của những sản phẩm chất lượng, sự kiện tầm cỡ.
Đứng thứ 3 về số lượng du khách (gần 9 triệu) và doanh thu du lịch (hơn 16 ngàn tỷ), đặc biệt Quảng Ninh đã đón lõng được thị trường khách Trung Quốc đang dần quay trở lại. Với việc các dự án cao tốc đến Móng Cái đã hình thành, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành, thành phố này đón 1 triệu du khách chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm. Thậm chí trong chục ngày trở lại đây, Quảng Ninh và Vịnh Hạ Long trở thành địa điểm được tìm kiếm khá nhiều trên Weibo. Vì nhiều người trẻ Trung Quốc muốn kết hợp tour xem nhạc Blackpink tại Hà Nội, đồng thời du lịch Hạ Long… Đây là hành trình du lịch trải nghiệm nhóm nhạc hàng đầu thế giới và vịnh biển cũng ở tầm thế giới…
Du lịch Việt Nam thực ra vẫn gặp một đề bài khá khó giải về việc phục hồi và gia tăng trở lại so với trước dịch. Nhưng đề bài ấy vẫn đang được giải dần dần và dĩ nhiên như người ta nói vẫn cần phải là thời gian, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn cả trong vào ngoài nước. Chúng ta có những điểm sáng ở Đà Nẵng, Sầm Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai… và dĩ nhiên là cũng có những điểm chưa được ở những tỉnh thành phố, địa điểm khác.
Là một người Hải Phòng khi đọc bài báo về việc du lịch Đồ Sơn lại đang tụt hậu và đang bị dẫn lãng quên đi trên bản đồ du lịch miền Bắc, mình cảm thấy rất chạnh lòng nhưng không thấy lạ… Tại Đồ Sơn, cơ sở lưu trú xuống dốc, các dịch vụ du lịch trở nên quá nhàm chán, giao thông cũng không là ưu thế khi du khách đi Cát Bà, Hạ Long hay Sầm Sơn đều đã khá tiện lợi. Từ năm 2010, doanh thu du lịch Đồ Sơn đi ngang hoặc giảm, lượng khách thì giảm dần đều… Bãi Cháy từng không thể cạnh tranh được với Đồ Sơn, nay đã trở thành bãi biển sôi động, nhiều dịch vụ cả về ngày và đêm (như vũ công nhảy múa, lễ hội bia đêm, phố đi bộ…). Câu chuyện rõ ràng là tụt hậu hay vươn lên, giờ nhu cầu của khách hàng không phải chỉ là tắm biển, đi ăn và ra về nữa…
Du lịch không phải chỉ đơn giản là ngồi đợi khách đến. Mà còn là làm sao để khách lựa chọn điểm này chứ không phải là điểm kia, làm sao cho khách tiêu tiền nhưng thấy sướng, ra về mà vẫn muốn quay lại, gặp ai cũng muốn nói tốt, đi đâu cũng thấy tiện, làm gì cũng thấy đã, ăn gì cũng ngon và chơi gì cũng hết mình.
Nguồn tác giả: Tifosi