Hơn một thế kỷ nay - Sầm Sơn là một thị xã du lịch biển đẹp có tiếng trong và ngoài nước, chỉ cách Hà Nội 165km về phía Nam và cách thành phố Thanh Hóa theo quốc lộ 47 về phía Đông 16km. Nằm ở phía Đông của tỉnh Thanh Hóa, thị xã gồm 11 đơn vị hành chính gồm 8 phường (Bắc Sơn, Trung Sơn, Trường Sơn, Quảng Tiến, Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh) và 3 xã (Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại). với diện tích tự nhiên gần 44,94km2 diện tích tự nhiên 150.902 người. Phía Bắc thị xã qua bên kia sông Mã là huyện Hoằng Hóa. Phía Nam và phía Tây giáp huyện Quảng Xương. Phía đông là vịnh Bắc bộ. Thiên nhiên tuyệt đẹp và lịch sử Sầm Sơn do các thế hệ dựng xây từ hàng ngàn năm nay đã ban tặng cho Sầm Sơn nhiều tài nguyên quí gía. Đó là tài nguyên thiên nhiên du lịch mà điểm nhấn là dãy núi Trường Lệ rộng 300ha, dài gần 2km, cao 76m, nằm sát biển với bãi tắm tuyệt vời dài 6km, làn nước trong xanh và ấm, độ mặn vừa phải cùng với tài nguyên du lịch nhân văn đậm đặc gồm 19 di tích lịch sử văn hóa trong đó có 6 di tích cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh, các lễ hội, ngành nghề truyền thống và các di sản văn hóa phi vật thể khác. Bên cạnh đó là các tài nguyên thuỷ sản, tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và nhất là tài nguyên con người. Kho báu vô giá đó hàng trăm năm nay đã đưa vào phục vụ du lịch đón du khách bốn phương về đây tắm biển, tham quan và trải nghiệm để càng thêm yêu đất và người Sầm Sơn của xứ Thanh Địa linh nhân kiệt.
3000 năm còn được gọi là Gầm Sơn - Gầm Thôn - là xóm Cổ mà cư dân của xứ Thanh đã quần tụ về đây sinh sống dưới chân núi. Truyền thuyết kể lại rằng khi Thành Cổ Loa của nước Âu Lạc bị thất thủ vì quân Triệu Đà xâm lược. Vua An Dương Vương đã đem con gái yêu là Mỵ Châu lên ngựa chạy về phương Nam đến Gầm Sơn và sau đó tiếp tục chạy về Tỉnh Gia. Chạy tiếp đến Diễn Châu là hết nước Âu lạc, giặc vẫn đuổi theo đánh sát sau lưng. vua ngoảnh lại thấy con gái mình rắc lông ngỗng, vua nổi giận bèn rút gươm chém con gái Mỵ Châu và tự vẫn. Năm ấy là năm 218 trước công nguyên. Đất nước rơi vào tay quân xâm lược Triệu Đà phương Bắc kéo dài hơn 1000 năm Bắc thuộc. Từ đó Sầm Sơn thời nhà Hán gọi là huyện Cư Phong, Thường Lạc. Thời nhà Tùy (589 – 617) Sầm Sơn thuộc huyện Long An, Châu Ái. Thời nhà Đường (618 – 900) thuộc huyện Song Bình, Châu Ái. Năm 938 Ngô Quyền giành được độc lập cho đất nước chấm dứt ách nô lệ hơn 1000 năm của phương Bắc và sau đó là các triều đại Đinh, Tiền Lê, Trần, Hồ, Sầm Sơn được mang tên huyện Duyên Giác Lộ Cửu Chân (sau là Trấn Thanh Hóa). Thời Hậu Lê (năm Quang Thuận thứ 10 – 1461) được đổi thành huyện Quảng Xương Trấn Thanh Hoa. Sau năm 1954, từ xã Quảng Tiến Sầm Sơn được chia thành 4 xã : Quảng Tiến, Quảng Tường, Quảng Cư, Quảng Sơn. Năm 1958 thành lập Ban quản thị trấn Sầm Sơn trực thuộc huyện Quảng Xương. Năm 1963 thị trấn Sầm Sơn mới được thành lập trực thuộc tỉnh Thanh Hóa – Từ đây mở ra một cơ hội phát triển mới cho du lịch Sầm Sơn.
Tìm về nguồn cội - Du lịch Sầm Sơn đã có từ năm1904, người Pháp đã cắt một số lô đất ở đây để xây dựng nhà nghỉ dưỡng. năm 1906 họ đã cho làm tuyến đường nhựa từ thị xã thanh hóa đi Sầm Sơn. Tiếp sau đó cho đến năm 1945 ở Sầm Sơn đã mọc lên rất nhiều ViLa, biệt thự sang trọng, trong đó có cả biệt thự của vua Bảo Đại ông vua cuối cùng của Triều Nguyễn. Ngày mồng 2/9/1945 nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời nhưng đất nước chưa được hưởng hòa bình thì thực dân Pháp lại quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Theo lời kêu gọi của Bác Hồ thực hiện phương châm “Tiêu thổ kháng chiến” với sách lược “Vườn không nhà trống” nhân dân Sầm Sơn đã phá bỏ những dinh thự trên núi Trường Lệ để bước vào công cuộc kháng chiến chín năm trường kỳ và anh dũng của dân tộc. Biển Sầm Sơn mãi mãi không bao giờ quên chiến công của nữ điệp báo Nguyễn Thị Lợi đã tình nguyện hy sinh xuống tàu đánh chìm thông báo hạm Amyodanvin ngày 23 tháng 9 năm 1950. Cùng với cả nước tỉnh Thanh Hóa trong đó có Sầm Sơn đã góp phần to lớn vào chiến thắng lịch sử Điện biên Phủ. Sau khi hiệp định Giơnevơ được kí kết tháng 7/1954, miền Bắc được hòa bình tiến lên xây dựng CNXH, miền Nam còn năm trong bóng đêm của chế độ Mỹ ngụy. Sầm Sơn là nơi duy nhất được Đảng và nhà nước chọn làm nơi đón tiếp cán bộ, chiến sỹ và đồng bào miền nam tập kết ra Bắc. Việc đón tiếp kéo dài trong bảy đợt từ 15/10/1954 đến mồng 1/5/1955. Sầm Sơn đã đón và chăm sóc 1869 thương bệnh binh, 43346 cán bộ, chiến sĩ; 5922 học sinh và 1443 gia đình cán bộ. Tháng 7/1960 Chủ Tịch Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hóa lần thứ hai, Người đã nghỉ đêm tại Đền Cô Tiên, Người kéo lưới với ngư dân xóm Vinh Sơn . Nói chuyện với cán bộ và nhân dân Sầm Sơn Bác hồ căn dặn “ Nếu nơi đây có một hệ thống dịch vụ khách sạn và có phương tiện đưa đón khách nghỉ mát để tới Hòn Mê thì sẽ thu được nhiều của cải từ đây”. Những năm tháng hòa bình đó Sầm Sơn đã liên tiếp mọc lên các khách sạn, nhà nghỉ của các Bộ, Ban, Ngành trung ương và của tỉnh để phục vụ cho du khách về đây du lịch tắm biển.
Năm 1965 cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ném bom ra miền Bắc - Cùng với cả nước, cả tỉnh, Sầm Sơn lại bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với chân lí “Không có gì qúy hơn độc lập tự do”. Hàng vạn thanh niên trai gái Sầm Sơn lên đường vào bộ đội, vào thanh niên xung phong chiến đấu anh dũng và lập công xuất sắc ở khắp các chiến trường. Những người dân Sầm Sơn ở lại vừa sản xuất vừa chiến đấu kiên cường bám biển. Nổi bật là chiến công của 6 chiến sĩ dân quân du kích xã Quảng Tường đã ra khơi bắn cháy tàu biệt kích của Mĩ trên biển Sầm Sơn năm 1966. Năm 1973 sau khi hiệp định Pa ri được kí kết – Một lần nữa Sầm Sơn lại có vinh dự được đón hàng ngàn chiến sĩ cách mạng từ trong các nhà tù của Mĩ ngụy được trao trả chiến thắng trở về. Nhiều đồng chí cán bộ tập kết tại Sầm Sơn năm 1954 - 1955 và sau năm 1973 đã trở thành những cán bộ cao cấp giữ các trọng trách của Đảng và nhà nước và bộ ban ngành trung ương. Ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân và Đảng bộ Sầm Sơn – Đảng và nhà nước đã trao danh hiệu cao quí : Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đảng bộ và nhân dân Sầm Sơn cùng các xã Quảng Tường (nay là phường Trung Sơn), xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến); Công an thị xã Sầm Sơn và Đồn biên phòng 122. Sầm Sơn có 9 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1 anh hùng liệt sĩ, 1 anh hùng lao động. Hàng ngàn cán bộ và nhân dân được tặng huân huy chương kháng chiến. Những thành tích vẻ vang đó là hành trang tinh thần vô giá về truyền thống anh hùng của đảng bộ và nhân dân Sầm Sơn đóng góp cho hai cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc của dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
* Sầm Sơn vững bước đi lên xây dựng thành đô thị biển giàu đẹp - văn minh – hiện đại.
Sau đại thắng mùa xuân 1975 cả nước hòa bình độc lập cùng tiến lên xây dựng CNXH - Sầm Sơn từ một thị trấn hoang tàn đổ nát trong chiến tranh được sự quan tâm của tỉnh và trung ương đã từng bước hồi sinh. Ngày 18/12/1981 Hội đồng bộ trưởng (nay là chỉnh phủ) ra quyết định số 157 - HĐPT thành lập thị xã du lịch Sầm Sơn. Trải qua 33 năm thành lập và gần 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Đảng bộ tỉnh Thanh hóa - Đảng bộ và nhân dân Sầm Sơn đã chung sức chung lòng, đoàn kết thống nhất, phát huy tinh thần tự lực tự cường vượt khó đi lên cùng với sự giúp đỡ đầy hiệu quả của trung ương, của tỉnh đã và đang trở thành một đô thị du lịch biển khang trang hiện đại với gần 400 khách sạn, nhà nghỉ, gần 9000 phòng khách đầy đủ tiện nghi cùng một lúc có thể đón tiếp hàng vạn du khách về đây hội họp, tắm biển, tham quan …
Bước sang thế kỉ 21, thị xã du lịch Sầm Sơn liên tiếp giành được những thành tựu to lớn. Tốc độ kinh tế liên tục tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2007 Sầm Sơn có vinh dự được đón chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về dự lễ kỉ niệm 100 năm du lịch Sầm Sơn. Quyết tâm xây dựng Sầm Sơn trở thành trọng điểm du lịch Quốc gia đã trở thành mệnh lệnh của cuộc sống được Đại hội Đảng bộ thị Xã Sầm Sơn lần thứ XV nhiệm kì 2010 - 2015 xác định “Phát huy có hiệu quả tiềm năng thế mạnh Đô thị du lịch biển; Tăng cường nội lực và thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển nền kinh tế với tốc độ cao và bền vững, chú trọng phát triển hai ngành kinh tế có thế mạnh là: Du lịch dịch vụ và nghề cá. Tập trung nâng cao chất lượng của hoạt động văn hóa - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh; đảm bảo kỉ cương, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chung sức xây dựng Đô thị du lịch biển Giàu đẹp - Văn minh - Hiện đại”. Bám sát quan điểm chỉ đạo chiến lược đó, trong các năm 2011, 2012, 2013 Đảng bộ, chính quyền, các ngành, các cấp của Sầm Sơn đã lập nên những thành tích mới. Nổi bật là số lượng khách du lịch đến với Sầm Sơn ngày càng đông. Năm 2011 là 1,9 triệu lượt người, năm 2012 là 2,1 triệu lượt người. Đặc biệt là năm 2013 là năm du lịch Sầm Sơn gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và trong nước đã tác động không nhỏ đến ngành du lịch nói chung và Sầm Sơn nói riêng. Nhưng bằng sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của chính quyền các cấp Sầm Sơn vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá. Văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. An ninh chính trị được giữ vững. Đời sống nhân dân ổn định và có bước phát triển. Kết quả thị xã có 16/17 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 17,8% vượt 0,8% so với kế hoạch, vượt 1% so với năm 2012. Tổng sản phẩm xã hội ước đạt 2745 tỉ đồng đạt 100,5% so với kế hoạch, tăng 17,8% so với năm 2012. Tỉ trọng các ngành kinh tế: Dịch vụ chiểm 73,8%; nông, lâm, thủy sản chiếm 15,2%; công nghiệp – dịch vụ chiếm 11%. Riêng lĩnh vực du lịch mũi nhọn năm 2013 thị xã đã đón gần 2,5 triệu lượt khách, vượt 7,1% kế hoạch và tăng 18,1% so với cùng kì. Doanh thu đạt 1250 tỉ đồng, vượt 4,2% kế hoạch, tăng 28,2% so với cùng kì. Hoạt động kinh doanh thương mại cơ bản ổn định. Các tổ chức cá nhân chấp hành tốt pháp luật và cac quy định trong các hoạt động kinh doanh thương mại. Tổng mức hàng hóa dịch vụ năm 2013 của thị xã đạt 880 tỉ đồng vượt 5% kế hoạch, tăng 16,8% so với cùng kì. Kết quả đó là biểu hiện sinh động của Đảng bộ và nhân dân Sầm Sơn học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Thị xã Sầm Sơn ngày càng đẹp lên trong con mắt tin yêu của du khách trong và ngoài nước, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, du lịch Sầm Sơn vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải quyết tâm khắc phục. Đó là : Chất lượng hoạt động du lịch còn thấp chưa chuyên nghiêp, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách. Tình trạng nâng giá, ép giá, ép khách, đậu đỗ lộn xộn của các phương tiện xe điện vẫn còn diễn ra. Văn hóa ứng xử trong giao tiếp, kinh doanh còn hạn chế. Vệ sinh môi trường có lúc, có nơi chưa đảm bảo. Công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch chưa thường xuyên, hình thức đơn điệu, nội dung nghèo nàn. Việc tổ chức thực hiện một số phương án quản lí dich vụ du lịch hiệu quả thấp như phương án sắp xếp dịch vụ thương mại, tổ chức chợ đêm … Những yếu kém đó là những thách thức không nhỏ trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
Bước vào năm giáp ngọ 2014 - năm thứ tư thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, và nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII ở tỉnh ta đã có nhiều thuận lợi hết sức cơ bản thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư vào khu kinh tế tổng hợp Nghi Sơn và các vùng phụ cận. Thị xã Sầm Sơn của chúng ta có những thuận lợi và ưu thế vượt trội đó là ngành kinh tế du lịch dịch vụ đang từng bước đi vào nề nếp y thức của người dân tham gia kinh doanh đã có nhiều chuyển biến tích cực và thực tế đã lấy lại được lòng tin của du khách trong và ngoài tỉnh. Cơ sở hạ tầng của thị xã tiếp tục được tỉnh đầu tư, đặc biệt là kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành của các cấp ủy đảng chính quyền, các đoàn thể, sự đoàn kết nỗ lực phấn đấu của các cơ quan đơn vị, các doanh nghiệp và nhân dân trong toàn thị xã ngày càng được nâng lên.
Mục tiêu tổng quát nghị quyết mà hội đồng nhân dân thị xã đã đặt ra trong năm 2014 là : “Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hai ngành kinh tế chính có tiềm năng và lợi thế của thị xã phát triển là du lịch và khai thác, chế biến hải sản. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 18% trở lên; nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa – xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội; đảm bảo vững chắc Quốc phòng - An ninh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của chính quyền các cấp, nhằm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu kế hoạch năm 2014”.
Các chỉ tiêu về kinh tế, về xã hội, về xây dựng tài nguyên và môi trường, về an ninh và quốc phòng đã có con số cụ thể trong nghị quyết để chúng ta phấn đấu. Tất cả còn đang ở phía trước. Kế hoạch đã vạch xong - Sầm sơn phải tiến nhanh hơn, tiến mạnh hơn bằng chính sức mạnh nội sinh của mình. Để làm được điều đó, Đảng bộ và chính quyền và nhân dân Sầm Sơn cần thực hiện tốt 6 giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất : Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế phát triển đảm đảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 18% trở lên.
Thứ hai : Tăng cường công tác quản lí quy hoạch, quản lí đất đai giải phóng mặt bằng; cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư.
Thứ ba : Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; tăng cường công tác đào tạo nghề; thực hiện tốt các chính sách an sinh.
Thứ tư : Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và cải cách hành chính.
Thứ năm: Củng cố Quốc phòng - An ninh, đảm bảo trật tự ATXH.
Thứ sáu: Nâng cao vai trò quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
Đảng bộ và nhân dân Sầm Sơn trân trọng cảm ơn hàng triệu du khách trong và ngoài nước và nhân dân các dân tộc trong tỉnh hàng năm đã về với Sầm Sơn đem đến cho Sầm Sơn nhiều nguồn lực mới để phát triển.
Tự hào về truyền thống lịch sử lâu đời giàu sắc thái văn hóa riêng - Dưới sự lãnh đạo của thị ủy, sự điều hành của chính quyền các cấp và sự quan tâm sâu sắc của tỉnh, phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân nhất định thị xã Sầm Sơn sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu năm 2014 và các năm tiếp theo quyết tâm đưa Sầm Sơn trở thành một Đô thị biển Giàu đẹp - Văn minh, phát triển bền vững theo hướng hiện đại.