04/01/2025
Chào mừng lễ Tết Dài trên Bản Thượng
Kỳ Thượng Am Váp
Thời gian: từ ngày 6,7,8/01/2025
Tết Dài của người dân tộc Dao Thanh Phán thôn khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP. Hạ Long nói riêng và cả nước nói chung.
Đồng bào Dao thường truyền kể về Bàn Vương và tổ tiên người Dao từ xa xưa rằng, trong chuyến vượt biển tìm đường sống của 12 họ Dao, khi nguy nan nhất mực, cận kề sóng to gió lớn của biển cả, người Dao trong chuyến thuyền bè bão táp đó đã cầu khấn Bàn Vương và tổ tiên phù hộ cho tai qua nạn khỏi và hứa sẽ làm lễ tạ ơn cứu độ.
Lời cầu nguyện linh ứng, từ đó người Dao tổ chức tết nhảy để thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên và Bàn Vương đã cứu mạng ngoài biển khơi, luyện âm binh để bảo vệ cuộc sống gia đình, dòng tộc, cầu xin tổ tiên che chở cho gia đình, bản làng mạnh khỏe làm ăn tấn tới. Trong đời sống tín ngưỡng người Dao, Bàn Vương đứng đầu các nhánh tộc người Dao, là vị vua tài giỏi, có sức mạnh vô hình, luôn độ trì, giúp đỡ dân tộc Dao. Bàn Vương được người Dao thờ cúng nhất mực kính trọng và linh thiêng cùng với tổ tiên của người Dao.
…….
Chuẩn bị cho Tết nhảy, nhà trưởng phân công công việc cho từng thành viên trong gia đình cũng như mời bạn bè, làng xóm sang phụ việc giúp gia đình. Đàn ông trai tráng trong bản được lựa chọn tham gia phụ lễ, làm các đạo cụ, binh khí phục vụ Tết nhảy như: dao, kiếm, cuốc, xẻng, chông, làm dấu con ngựa… hay làm các lều trại cho binh lính, còn phụ nữ đảm nhiệm bếp núc, làm cơm cúng phục vụ chè, rượu cho các thầy và mọi người trong suốt thời gian diễn ra Tết nhảy. Một mâm cỗ phục vụ cúng lễ, gia chủ phải chuẩn bị thịt gà, thịt lợn và bánh chưng. Để làm một lễ Tết nhảy, nhà trưởng phải chuẩn bị hai con lợn to và nhiều gà, cùng những thực phẩm, lễ vật khác.
Để tổ chức Tết nhảy, nhà trưởng phải mời được ba thầy cúng, trong đó có hai thầy chính và một thầy phụ để thực hiện các thủ tục trong một lễ Tết nhảy. Các thầy cúng được mời phải là những thầy cúng cao tay, nhiều kinh nghiệm mới có thể chủ trì được lễ Tết kéo dài suốt ngày đêm.
Nét độc đáo của Tết nhảy là các thầy cúng, người nhà, bạn bè làng xóm đến có thể tham gia, trừ phụ nữ. Họ nhảy bảy điệu nhảy khác nhau với tất cả 120 lần, mỗi lần nhảy từ 5 giờ chiều hôm trước kéo dài đến 6 giờ sáng hôm sau, lần lượt từng tốp một thay phiên nhau. Các điệu nhảy tượng trưng cho các bước luyện binh, luyện quân. Mở đầu lễ Tết nhảy là ba thầy cúng và tám người đàn ông được chọn cầm các chuông nhún nhảy múa theo tiếng nhạc, giọng hát của thầy cúng.
Tết nhảy của người Dao Thanh Phán tại thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng không chỉ là nghi lễ thể hiện sự biết ơn, tưởng nhớ tới tổ tiên mà còn là nghi lễ cầu phúc, cầu may, với mong muốn tẩy trừ những điều bất hạnh, rủi ro của năm cũ; cầu xin trời đất, tổ tiên phù hộ cho gia đình, dòng họ, làng bản một năm mới dồi dào sức khỏe, cầu cho mưa thuận gió hòa, công việc làm ăn thuận lợi. Tết nhảy cũng là dịp để người Dao ôn lại lịch sử gia đình, lịch sử dòng tộc; ôn lại văn hóa truyền thống của người Dao thông qua nội dung những bài khấn, những lời ca, điệu múa; các dòng họ người Dao truyền lại những nét văn hóa đặc sắc cho thế hệ con cháu, góp phần giữ gìn hồn thiêng của dân tộc Dao…
…….
Kính mời Quý khách lên trải nghiệm những nét đẹp văn hóa Dao trên Bản Thượng !
Liên hệ: Bàn Kiên Kien Nguyen - 0968.176.886 - 0865695186