20/06/2023
Trong tuần qua, Trung tiếp nhận 04 ca Đái Tháo Đường típ 2 mới mắc, 01 ca 20 tuổi béo phì, 01 ca 28 tuổi phát hiện đường huyết cao vì đi khám yếu sinh lý, 01 ca nữ 18 tuổi đi khám sức khoẻ định kỳ, 01 ca 30 tuổi đi mổ ung thư tuyến giáp.
Điều Trung muốn nói ở đây là gì? Đó là bệnh Đái Tháo Đường típ 2 ( ĐTĐ ) đang ngày càng trẻ hoá.
Theo báo cáo mới nhất tại Hội Nghị của Hội Tăng Huyết Áp Việt Nam mà Trung tham dự tháng 05 vừa qua ở Quảng Bình, chẳng những ĐTĐ, Tăng Huyết Áp, bệnh thận mạn và ung thư tại Việt Nam cũng đang ngày càng trẻ hoá?
Vì sao?
Sự tiếp cận y khoa sớm hơn nên được chẩn đoán bệnh sớm hơn? Hay sự thay đổi lối sống ít vận động, ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn Hay sự thay đổi chung toàn cầu về khí hậu, nguồn cung cấp thực phẩm nuôi trồng thay vì tự nhiên do dân số tăng quá nhanh 8 tỉ người?
Hay sự biến đổi gene?
Tất nhiên, chúng ta không thể nào kết luận nhân quả cho một vấn đề nào đó, chúng ta biết rằng đôi khi một quả có thể có nhiều nhân, một nhân có thể có nhiều quả và nhân quả chằng chịt vào nhau.
Dẫu sao niềm an ủi là y khoa tiến bộ giúp con người sống thọ hơn trước, tuổi thọ trung bình từ 68 đã lên 75.
Nhưng sống thọ hoàn toàn khác với sống khoẻ mạnh. Tuổi thọ đầy những bệnh tật thì chất lượng cuộc sống sẽ giảm.
Bạn có biết một tin khá chấn động là theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc - UNFPA, Việt Nam là một trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới.
Nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Tố chất thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém so với chuẩn.
Ngoài ra, nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng, trung bình người Việt Nam đi bộ 3.600 bước một ngày, giới văn phòng chỉ 600 bước trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới là 10.000 bước.
Chẳng những lười vận động thể dục, người Việt Nam còn lười vận động trí não.
1/4 dân số Việt Nam, có nghĩa là 25 triệu người không hề đọc sách. Còn lại đọc rất ít, chủ yếu là sách giáo khoa.
Khi không có kiến thức thì làm sao chúng ta thay đổi được bản thân và thay đổi được cộng đồng?
Và bạn có biết người Việt Nam rất ít có khả năng làm việc theo nhóm, phần lớn tập trung phát triển cá nhân thay vì phát triển cộng đồng, xây dựng nhà mình đẹp thay vì xây dựng môi trường sống, không gian sống đẹp.
Thường những nghiên cứu công bố hay những nhận xét thẳng thắn rất dễ đụng chạm nhưng nếu chúng ta không biết đón nhận và quyết tâm thay đổi thì khó có một ngày mai tươi sáng hơn.
Internet mở ra một chân trời kiến thức bao la nhưng chúng ta đón nhận được gì hay chỉ những điều tủn mủn, vụn vặt, hời hợt trên TikTok, Instagram, Facebook?
Quay trở lại với bệnh Đái Tháo Đường ngày càng trẻ hoá phải chăng chúng ta nên thay đổi lối sống tích cực hơn để khoẻ hơn?