03/11/2023
***Khoa học đã cứu tháp Eiffel như thế nào?***
Chắc hẳn, khi đến chụp ảnh với tháp Eiffel, ít nhiều người đều nghe đến câu chuyện tháp Eiffel từng bị ghẻ lạnh, phản đối và kiến nghị phá dỡ trong thời kỳ đầu khởi công năm 1887 bởi nhiều nhóm nghệ sĩ, kiến trúc sư và học giả. Họ cho rằng công trình sắt thép đồ sộ này xấu xí và kì dị, sẽ là một vết đen trên bầu trời Paris.
Bỏ ngoài tai tất cả lời dèm pha, Gustave Eiffel cùng công ty của mình đã hoàn thành xuất sắc công trình cao nhất thế giới lúc bấy giờ, với hơn 310m được dựng lên từ 7.300 tấn sắt thép. Le Tour de Gustave Eiffel (tên đầy đủ của tháp Eiffel) đạt được tiếng vang và thành công ngay trong hội chợ triển lãm quốc tế năm 1889 tại Paris, khi có hơn 2 triệu người lên thăm quan trong vòng 6 tháng diễn ra hội chợ, tương đương khoảng 12.000 người/ngày (tổng số người tham dự hội chợ là hơn 28 triệu người).
Nhưng những lời kiến nghị thời kỳ đầu, ít nhiều đã ảnh hưởng đến chính quyền Paris khi chỉ cho phép Tháp tồn tại trong vòng 20 năm, tức phải dỡ bỏ công trình vào năm 1910. Để “cứu sống” đứa con của mình, ngay từ khi khởi công, Gustave Eiffel đã có nhiều chiến thuật và những ý tưởng sáng tạo về công năng của tháp Eiffel trong việc áp dụng vào các nghiên cứu khoa học mới, nhằm chứng minh tính hữu ý của ngọn tháp cao hơn 300m này.
Vậy những chiến thuật nào đã được sử dụng để “cứu” bà đầm Thép ?
Đầu tiên, ngay từ khi hoàn thiện xong tầng 1, Gustave Eiffel đã cho khắc tên 72 nhà bác học nổi tiếng xung quanh bề mặt bên ngoài của tòa tháp, được viết in hoa màu vàng với kích thước 60cm, đủ lớn để có thể đọc được khi đứng từ mặt đất. Những nhà bác học được lựa chọn để khắc tên đều là người Pháp, sinh sống và làm việc trong vòng 100 năm kể từ cuộc Cách mạng Pháp diễn ra - năm 1789, và đều có những đóng góp lớn trong sự nghiệp của mình. Bằng chiến thuật mà tui cho là tâm linh nhiều hơn là khoa học, Gustave đã khéo léo sử dụng tháp Eiffel như một đền thờ nhằm vinh danh sức mạnh con người và những đóng góp của họ vào quá trình phát triển của nhân loại. Dỡ bỏ tháp cũng tương đồng với việc phá hủy đi niềm tin vào sức mạnh con người.
Tiếp theo, với chiều cao của ngọn tháp, Gustave bắt đầu cho lắp đặt con lắc Foucault ngay bên dưới tầng tháp thứ 2. Các dao động của con lắc sẽ giúp xác minh sự tự quay quanh trục của Trái đất, nhưng Gustave biết điều này là chưa đủ để thuyết phục chính quyền Paris, khi cách đó không xa, con lắc Foucault đã được đặt ở điện Panthéon từ vài năm trước.
Thay vào đó, ông quyết định dựa vào một ngành khoa học còn mới sơ khai vào thời kỳ này - khí tượng học. Ở độ cao hơn 300m, các điều kiện về gió - nhiệt độ - độ ẩm đều không giống như trên mặt đất. Gustave cho lắp đặt một máy đo thời tiết độc đáo nằm trên đỉnh của ngọn tháp với sự giúp đỡ của nhà vật lý Eleuter Mascart. Mỗi giờ, chiếc máy sẽ đo các chỉ số thời tiết khác nhau và truyền dữ liệu thông qua những sợi dây cáp nối với các thiết bị lưu trữ dưới mặt đất. Những thông tin này sau đó được công bố rộng rãi thông qua các biểu đồ và bản đồ thời tiết, dưới sự tài trợ chi phí của Gustave. Tận dụng được chiều cao lý tưởng của tháp, Gustave tiến hành các thí nghiệm nghiên cứu về tác động của gió lên các công trình kiến trúc, ông đã cho lắp đặt một sợi cáp dài 115m giữa tầng 2 và mặt đất. Trên dây cáp, những nhà khoa học cho trượt các vật thể có kích cỡ và hình dạng khác nhau, rồi gắn lên đó một thiết bị đo lường thông minh giúp đánh giá được lực cản không khí đối với các vật thể rơi tự do và ngược lại, tính toán được áp suất mà không khí chuyển động ảnh hưởng lên các vật thể bất động. Sau đó, Gustave hoàn thành các thí nghiệm của mình về gió và áp suất tại một phòng thí nghiệm khí động học đầu tiên trên nước Pháp nằm ngay dưới chân tháp, trước khi được chuyển đến quận 16, Paris vào năm 1912.
Cuối cùng, một phát minh mang tính cách mạng đã chính thức giúp ngọn tháp Eiffel đứng vững cho đến tận sau này, đó là điện báo không dây - hay sau này được biết dưới tên gọi radio, một kỹ thuật sử dụng sóng điện từ để truyền tin nhắn ở dạng mã Morse vào thời kỳ đó. Vào ngày 05/11/1898, Gustave Eiffel ủy quyền cho Eugene Ducreté thực hiện đường truyền không dây đầu tiên của Pháp từ đỉnh của ngọn tháp. Tin nhắn đầu tiên được gửi đến điện Panthéon nằm cách đó 4km mà không gặp bất kỳ vật cản nào, nhờ vào chiều cao đặc biệt. Kể từ đó, một trạm thu phát sóng được lắp đặt vĩnh viễn trên đỉnh tháp. Vào năm 1903, đại úy Gustave Ferrier, người được quân đội giao nhiệm vụ nghiên cứu các ứng dụng quân sự của điện báo không dây, đã chớp lấy cơ hội và đề nghị lắp đặt một antenne quân sự trên đỉnh. Antenne có thể thực hiện được các nhiệm vụ thu và phát sóng lên đến hơn 400km. Nhờ ứng dụng khoa học vào chiến lược quân sự hàng đầu cho đất nước, tháp Eiffel trở nên quan trọng và không thể phá vỡ. Ngày 1 tháng 5 năm 1910, chính quyền Paris chính thức gia hạn về thời gian sử dụng tháp Eiffel thêm 70 năm, Gustave Eiffel đã chiến thắng.
Kể từ đó, dưới công dụng của một trạm thu phát sóng Radio cho đến tận năm 1940, khi nước Đức chiếm đóng Paris. Tháp Eiffel chính là nơi ra đời của đài phát thanh Tour Eiffel - Radio Tour Eiffel và cũng chính là cái nôi của truyền hình Pháp vào năm 1935. Tuy không phải là công trình cao nhất thế giới thời điểm hiện tại, nhưng Eiffel luôn là một điểm không thể không đến, đối với bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng. Nằm sừng sững trên quảng trường Champs-de-Mars, tháp Eiffel đón hơn 6 triệu lượt khách tham quan mỗi năm, thu về gần 100 triệu euro (doanh thu năm 2019). Tháp là một biểu tượng tiêu biểu cho khoa học công nghệ của nước Pháp, cũng như sức mạnh tinh thần của con người trong thời kỳ hiện đại.
Nguồn: Du lịch khám phá Châu Âu.