03/06/2020
KINH TẾ
1. Tổng quan
- Hy Lạp là quốc gia biển, có nghề truyền thống là vận tải biển từ thời cổ đại và hiện nay, vận tải biển là ngành công nghiệp quan trọng nhất của Hy Lạp chiếm 6,5% GDP, sử dụng khoảng 260.000 người (7% lực lượng lao động). Hy Lạp kiểm soát đội tàu buôn lớn nhất thế giới với tổng trọng tải 334.649.089 tấn và sở hữu 5226 tàu, chiếm 20% lượng tàu trên thế giới, dẫn đầu thế giới về tổng giá trị tàu với hơn 100 tỷ USD. Hy Lạp xếp hạng đầu cho tất cả các loại tàu, trong đó đứng đầu về tàu chở dầu và tàu chở hàng rời.
- Ngành kinh tế mũi nhọn thứ 2 của Hy Lạp là du lịch. Hy Lạp là quốc gia rất có kinh nghiệm làm du lịch với lượng khách du lịch vẫn tăng đều hàng năm bất chấp khủng hoảng kinh tế tại Hy Lạp. Năm 2016, khách du lịch nước ngoài tới Hy Lạp là 28 triệu người (dân số Hy Lạp khoảng 10 triệu người).
- Dưới tác động của khủng hoảng nợ công Châu Âu và do thiếu kiểm soát trong chi tiêu, kinh tế Hy Lạp từ năm 2010 rơi vào tình trạng rất khó khăn. Hy Lạp phải thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng như giảm chi tiêu công, tăng thuế, tư nhân hóa các công ty nhà nước... để nhận các chương trình cứu trợ của EU và các thể chế tài chính-tiền tệ quốc tế, mới nhất là gói tài trợ 11,48 tỷ USD tháng 5/2016. Kinh tế Hy Lạp hiện nay vẫn bấp bênh nhưng đã có một số dấu hiệu cải thiện với mức tăng trưởng GDP năm 2016 đạt 0,3%.
- Các ngành kinh tế mũi nhọn: Du lịch, vận tải biển, đóng tàu, dệt, hóa chất, khai thác khoáng sản, dầu khí, chế biến thực phẩm, sản xuất thuốc lá...
- Các công ty, tập đoàn nổi tiếng: Alpha Bank (ngân hàng), ANEK Lines, Attica Holdings, Euroseas, Danaos Corporation (vận tải biển), Domenico (thuốc lá), Hellenic Aerospace Industry (hàng không vũ trụ), Hellenic Petroleum (dầu khí)…
2. Thương mại:
- Xuất khẩu: 22 tỷ € (2016)
+ Mặt hàng: nhiên liệu khoáng sản (37%), hàng tiêu dùng (13%), thực phẩm và động vật (12%), hóa chất (9%), máy móc và trang thiết bị (7%), các sản phẩm khác (6%), và các nguyên liệu thô trừ nhiên liệu (4%).
+ Bạn hàng: Đức 11%, Italia 10%, Síp (7%), Thổ Nhĩ Kỳ (6%), các tiểu vương quốc ả rập thống nhất (4%), Mỹ (4%).
- Nhập khẩu: Kim ngạch: 42 tỷ € (2016)
+ Mặt hàng: nhiên liệu khoáng sản (34%), máy móc và phương tiện vận tải (14%), hóa chất (13%), thức phẩm và động vật sống (10%), hàng tiêu dùng (9%), các sản phẩm khác (8%).
+ Bạn hàng: Đức 13%, Italia 13%, Trung Quốc 8%, Hà Lan 7%, Pháp 6%.
3. Đầu tư:
- Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (1960-1980), Hy Lạp chỉ chú trọng tới đầu tư trong nước nhưng từ những năm 1980, 1990 trở lại đây, Hy Lạp bắt đầu quan tâm đầu tư ra nước ngoài (FDI). Tổng FDI từ năm 2005 đến 2016 của Hy Lạp ra nước ngoài trên 19 tỷ USD, chủ yếu tập trung tại các nước khu vực Balkan (Bulgaria, Romania, Albania, Serbia…). Hy Lạp là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Serbia, Bulgaria và Albania, chủ yếu trong các ngành: dịch vụ (ngân hàng, tài chính, viễn thông, bảo hiểm, du lịch), công nghiệp (chế biến thực phẩm, dệt may, xây dựng…).
- Hy Lạp đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào Hy Lạp với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, đồng thời giao cho nhiều cơ quan phụ trách (Cơ quan phụ trách Đầu tư vào Hy Lạp, Bộ Ngoại giao, Bộ Phát triển, Phòng Thương mại và Công nghiệp Athens, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ Kinh tế và tài chính...). Tính từ 2005 đến hết năm 2015, đầu tư nước ngoài vào Hy Lạp đạt 38,6 tỷ USD (phần lớn từ các nước châu Âu như Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, Síp..), tập trung vào các ngành: du lịch, năng lượng, hóa chất, viễn thông, ngân hàng.
4. Chính sách viện trợ phát triển:
- Bộ Ngoại giao Hy Lạp là cơ quan chịu trách nhiệm phối hợp và giám sát các chương trình nhân đạo và viện trợ phát triển. Hy Lạp sử dụng 0,17% GDP để hỗ trợ phát triển chính thức cho các nước đang phát triển.
- Lĩnh vực ưu tiên: thiên tai, phát triển giáo dục, năng lượng tái tạo và bảo tồn năng lượng, nuôi trồng thủy sản.
- Các nước ưu tiên: Ai Cập, Ethiopia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Bờ Biển Ngà, Nam Phi, Zimbabwe, Albania, Bosnia-Herzegovina, Serbia, Montenegro, Azerbaijan, Armenia, Georgia, Moldova, Ukraine, Kazakstan, Jordan, Palestine, Syria.
5. Chính sách đối ngoại:
- Hy Lạp là thành viên chính thức của NATO và EU. Ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Hy Lạp là châu Âu, Mỹ, các nước Ban Căng.
- Với các nước láng giềng, có một số vấn đề tồn tại do lịch sử để lại (lãnh thổ, dân tộc) nên quan hệ của Hy Lạp với một số nước có lúc trở nên căng thẳng như với Thổ Nhĩ Kỳ, An-ba-ni và Ma-xê-đô-ni-a.
- Hy Lạp có quan hệ tốt với các nước Trung Đông và Bắc Phi và đang triển khai các mối quan hệ mới với Trung Quốc, Xing-ga-po và Việt Nam.
🇻🇳🇻🇳CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN HÀ GIANG
Địa chỉ: số 12 Trần Quốc Vượng, quận Cầu Giấy, Hà Nội
☎️☎️ Ms.Trang: 0988513066 - 0976421555
Website: dinhcuchauau.vn; dinhcuanhquoc.com