Du lịch nông thôn Việt Nam

Du lịch nông thôn Việt Nam Contact information, map and directions, contact form, opening hours, services, ratings, photos, videos and announcements from Du lịch nông thôn Việt Nam, Tourist Information Center, 489 Hoàng Quốc Việt, Hanoi.

Trang tin do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng để giới thiệu về du lịch nông thôn ở Việt Nam, những nét đẹp văn hoá vùng miền, những mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu, những địa chỉ đáng nhớ.

Văn hóa vạn chài Quảng Nam tạo sức hấp dẫn du lịchVới 125 km đường bờ biển, tỉnh Quảng Nam có gần 20 làng chài với văn h...
13/08/2024

Văn hóa vạn chài Quảng Nam tạo sức hấp dẫn du lịch

Với 125 km đường bờ biển, tỉnh Quảng Nam có gần 20 làng chài với văn hóa vạn chài đậm đà, đặc trưng. Những năm qua, một số làng chài xứ Quảng như Tân Thành, Cửa Khe, Tam Thanh, Tam Tiến... đã và đang xây dựng các loại hình, sản phẩm kết hợp bản sắc làng chài với môi trường biển đảo, du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng, thu hút đông du khách, mang đến lợi ích cho cư dân bản địa.

Khoảng 3 năm trở lại đây, làng chài Cửa Khe (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) là điểm đến hấp dẫn của những du khách yêu thích du lịch cộng đồng, muốn trải nghiệm đời sống bình dị mà sôi nổi của ngư dân vùng biển. Làng Cửa Khe chỉ cách phố cổ Hội An khoảng 20 phút di chuyển, sở hữu bãi biển đẹp hoang sơ với cát trắng mịn, hàng phi lao tự nhiên, chưa bị tác động nhiều bởi đô thị hóa. Nơi đây còn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của làng chài miền biển, từ đi thuyền thúng, đánh lưới, đặt lờ, kéo rùng, hát bả trạo.

Cửa Khe còn có nghề truyền thống lâu đời làm nước mắm đã được công nhận và cũng là 1 trong 67 tài nguyên du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nổi tiếng với câu ca dao dân gian lưu truyền “nhất mắm Cửa Khe, nhì chè Long Phú”. Hằng năm, vào tháng 2 âm lịch, người dân Cửa Khe tổ chức lễ cúng tổ nghề mắm long trọng, đặc sắc mà hiếm làng nghề còn duy trì được. Tận dụng lợi thế này, một số gia đình ngư dân trong làng đã mạnh dạn đầu tư, học hỏi, mở homestay đón khách lưu trú và tổ chức các chương trình du lịch liên quan đến ẩm thực địa phương, như: Tour tham quan xưởng mắm, lớp học làm nước mắm, đi chợ cá buổi bình minh, thưởng thức hải sản tươi...

Cũng ghi được dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ du lịch Quảng Nam là làng chài Tân Thành (phường Cẩm An, thành phố Hội An), với sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng đạt chuẩn OCOP 4 sao đầu tiên của tỉnh và cũng là hiếm có trên cả nước. Cuối năm 2021, Hợp tác xã du lịch làng chài Tân Thành được thành lập với các dịch vụ chính là lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực, trải nghiệm làng chài, chợ phiên làng chài, các câu lạc bộ nghệ thuật và nổi bật là Chợ phiên làng chài Tân Thành họp vào mỗi cuối tuần.

Theo Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã du lịch làng chài Tân Thành Lê Quốc Việt, việc phát triển sản phẩm du lịch nơi đây chú trọng đến cộng đồng và dân cư bản địa, dựa trên nền tảng nghề biển và bản sắc văn hóa của làng chài, không có khoảng cách giữa người bản địa, người nhập cư và khách du lịch nước ngoài. Nhờ vậy, dù trải qua 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng sinh hoạt cộng đồng và dịch vụ du lịch tại đây vẫn được gắn kết, phát triển.

Trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch ASEAN 2023, cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành đã vinh dự nhận Giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN. Đến với làng biển, một chuyến du lịch không chỉ là trải nghiệm phong cảnh, ẩm thực mà còn tiếp nhận nhiều giá trị đặc sắc từ chính con người, nếp sống miền biển. Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia chia sẻ rằng, văn hóa phi vật thể trong kho tàng di sản văn hóa biển đảo Việt Nam vô cùng phong phú và là bệ đỡ cho phát triển du lịch bền vững, thay đổi và cải thiện sinh kế cho người dân.

“Đó là những kinh nghiệm sống và làm ăn của cư dân được tích tụ và truyền lại từ nhiều thế hệ; những tri thức được tích lũy và ứng dụng thông qua sinh hoạt thường nhật và lao động sản xuất mùa vụ; những tín ngưỡng, dân ca, truyền thuyết, thần thoại được sáng tạo và hội nhập từ nhiều nền văn hóa và văn minh, qua bao thế hệ do lợi thế vị trí biển đảo đem lại”, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân nhấn mạnh.

Nhắc đến làng chài tiên phong làm du lịch và nổi tiếng sớm ở Quảng Nam, không thể bỏ qua cái tên làng chài bích họa Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ). Năm 2016, dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn Quốc-Việt Nam đã biến làng chài đơn sơ thành làng bích họa đầu tiên ở Việt Nam với hơn 100 bức vẽ tại nhà dân và các không gian công cộng. Qua thời gian, một số bích họa phai mầu, xuống cấp, song mỗi năm địa phương đều phối hợp các tổ chức xã hội và các họa sĩ để tổ chức chương trình vẽ tranh, làm đẹp cho làng.

Mới đây nhất, cuối tháng 5/2024, gần 20 bức bích họa được 120 họa sĩ đến từ các tỉnh, thành phố vẽ thêm trên tường những ngôi nhà ở xã Tam Thanh. Ngoài tranh, hơn 33 tác phẩm trên thuyền thúng, 50 mái chèo, nhiều tác phẩm điêu khắc hoàn thành được sắp đặt, trưng bày. Những bức tranh thể hiện thế giới sinh vật biển, hoạt động của ngư dân, cảnh biển ở nhiều thời điểm trong ngày... không chỉ hấp dẫn du khách, mà còn khơi dậy niềm tự hào và ý thức bảo vệ môi trường ở chính các thế hệ cư dân trong làng.

Làng chài được xem là nơi lưu giữ bản sắc cộng đồng ngư dân, khai thác giá trị văn hóa làng chài như một sản phẩm du lịch cũng chính là cách nuôi dưỡng, bảo tồn văn hóa địa phương. Dù đã có một số mô hình tốt và hoạt động hiệu quả, du lịch làng chài ở Quảng Nam vẫn còn nhiều yếu tố chưa được phát huy xứng tầm, chẳng hạn như các lễ hội biển, tín ngưỡng gắn với biển.

Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến không gian làng biển và nghề biển bị thu hẹp cũng là vấn đề được các chuyên gia văn hóa, du lịch băn khoăn. Theo ông Tôn Thất Hướng, chuyên gia nghiên cứu văn hóa (nguyên Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam), các cơ sở thờ tự có kiến trúc đặc trưng của làng biển cần được tu bổ, tôn tạo; các sự kiện như lễ tế Cá Ông, lễ hội Long Chu, lễ hội cầu ngư, lễ hội đua thuyền... nên được nghiên cứu, bảo tồn và phục dựng (nếu cần), để tạo bản sắc khiến du khách muốn tìm hiểu và trải nghiệm. Bên cạnh đầu tư hạ tầng, cần vận động nhân dân giữ môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp và phát huy nghề truyền thống để phục vụ du lịch cộng đồng.

Theo Nhandan.vn

Hà Giang: Làng văn hóa du lịch thôn Tha được công nhận là điểm du lịchNgày 12/8, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định ...
13/08/2024

Hà Giang: Làng văn hóa du lịch thôn Tha được công nhận là điểm du lịch

Ngày 12/8, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định số 992 công nhận điểm du lịch Làng văn hóa du lịch thôn Tha, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang.
Căn cứ các luật, nghị định, quyết định có liên quan và tờ trình của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh quyết định công nhận điểm du lịch Làng văn hóa du lịch thôn Tha. UBND thành phố Hà Giang, đơn vị sở hữu, quản lý điểm du lịch và các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm bảo vệ, phát triển tài nguyên du lịch; bảo đảm vệ sinh môi trường; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan. Đồng thời, bảo đảm sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch, duy trì điều kiện, tiêu chuẩn của điểm du lịch; tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản phẩm, dịch vụ tại điểm. Ban hành quy chế, nội quy quản lý, khai thác điểm du lịch theo quy định.

UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát UBND thành phố Hà Giang và đơn vị sở hữu, quản lý điểm du lịch thực hiện nội dung được giao. Cùng với đó, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch đối với điểm du lịch được công nhận, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật hiện hành. Tăng cường quảng bá, công bố, công khai rộng rãi danh hiệu điểm du lịch thôn Tha trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thôn Tha cách trung tâm thành phố Hà Giang trên 5km, 99% số hộ là người dân tộc Tày. Đây là điểm du lịch hấp dẫn du khách, lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng đảm bảo. Cùng với được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, thôn Tha được UBND tỉnh công nhận đạt các tiêu chí xây dựng Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Việc công nhận là điểm du lịch sẽ góp phần giúp địa phương khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, mở ra cơ hội mới trong xúc tiến, quảng bá, xây dựng sản phẩm và thu hút đầu tư...

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam

Du khách thích thú với trải nghiệm làm nông dânMặc dù mới đi vào hoạt động nhưng mô hình du lịch nông nghiệp VietHarvest...
29/07/2024

Du khách thích thú với trải nghiệm làm nông dân

Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng mô hình du lịch nông nghiệp VietHarvest AgriTour ở phường Giang Biên (Q. Long Biên, Hà Nội) đang có sức hút đặc biệt với du khách trong và ngoài nước.

Mô hình du lịch nông nghiệp VietHarvest AgriTour được phát triển từ Dự án cộng đồng “Cải thiện sinh kế của nông dân vùng ven đô Hà Nội - Du lịch nông nghiệp như một ngành kinh doanh hỗ trợ đa dạng nguồn thu nhập” thực hiện bởi VietED, với sự tài trợ từ Quỹ châu Á và Quỹ GSRD, nhằm gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp địa phương, tạo nguồn thu nhập mới từ hoạt động du lịch cho nông dân trồng rau tại phường Giang Biên.

Nhiều du khách khi đến thăm Giang Biên đã rất ngạc nhiên khi thấy sự “lột xác” của cảnh quan nơi đây. Không còn là những cánh đồng, vườn rau trồng một cách tự phát, 18 hộ gia đình đã quy hoạch lại vườn ruộng, bố trí diện tích đất, xen canh các loại cây trồng, rau củ một cách khoa học; đồng thời xây dựng các nhà vườn tiêu chuẩn với lưới che, rào chắn…
Tham gia tour du lịch kéo dài nửa ngày, du khách quốc tế được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động nông nghiệp thú vị như gieo hạt, chăm sóc cây trồng, thu hái rau củ sạch tại vườn, tự tay nấu bánh đúc, chè làm… Kết thúc hành trình bằng bữa ăn thơm lành được nấu từ chính những nguyên liệu sạch du khách thu hoạch được.

Theo Vanhoavaphattrien.vn

Unifarm tiên phong phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ caoUnifarm là doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng cô...
29/07/2024

Unifarm tiên phong phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao

Unifarm là doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao và tham gia thí điểm mô hình trường học nông nghiệp gắn với du lịch.

Ngày 7/6, tại nông trại của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm), xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Trung tâm phát triển nông thôn - Saemaul Unidong đã tổ chức đánh giá mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng các giải pháp tuần hoàn.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo, chuyển giao nguồn nhân lực nông nghiệp là giải pháp quan trọng để tiếp tục phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam. Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao, các giải pháp nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái và tham gia thí điểm mô hình trường học nông nghiệp gắn với du lịch nhằm tiếp tục lan tỏa các giá tốt đẹp, góp phần phát triển nông nghiệp và du lịch địa phương.

Theo đó, mô hình chia nhiều giai đoạn như thực hiện các giải pháp nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguyên vật liệu nông nghiệp, giảm thiểu phế phẩm nông nghiệp, đa dạng hệ sinh thái tự nhiên của trang trại hướng đến phát triển bền vững.

Các hoạt động học tập, chuyển giao công nghệ, tập huấn nguồn nhân lực nông nghiệp gắn với hoạt động tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái tại trang trại và trên địa bàn huyện Phú Giáo.

Các hoạt động tham quan, tìm hiểu về du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái dành cho học sinh, sinh viên, du khách có quan tâm về nông nghiệp tại trang trại và trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

Việc tổ chức đoàn đánh giá mô hình này nhằm thu thập ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch về mô hình; bên cạnh đó dựa trên kết quả khảo sát, đề xuất các giải pháp cải thiện và nhân rộng mô hình thí điểm du lịch nông nghiệp công nghệ có ứng dụng các giải pháp tuần hoàn tại huyện Phú Giáo; đồng thời tạo môi trường kết nối các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, phát triển các hoạt động hợp tác trong tương lai.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Unifarm ở huyện Phú Giáo là sản phẩm thuộc nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp tỉnh: “Nghiên cứu phát triển mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao theo định hướng phát triển làng thông minh” do Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM làm chủ nhiệm.

Theo Nongnghiep.vn

ĐIỂM ĐẾN: Du lịch Trang trại đồng quê Ba Vì: Trở về với quê hươngChỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội 65 km, toạ lạc trên...
18/07/2024

ĐIỂM ĐẾN: Du lịch Trang trại đồng quê Ba Vì: Trở về với quê hương

Chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội 65 km, toạ lạc trên một khu đồi nhỏ xinh xắn, tựa lưng vào dãy núi Ba Vì, Trang trại Đồng Quê Ba Vì nằm trong vùng ngoại thành phía tây thuộc thủ đô Hà Nội có địa hình thiên nhiên nông nghiệp rất đẹp và đa dạng rừng, hồ, ao, suối, sông ngòi...

Bắt tôm cua cá ốc bằng những chiếc nơm hoặc các dụng cụ làm bằng tre là một trong rất nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị tại Trang trại đồng quê Ba Vì. Bên cạnh đó, du khách còn được trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác như: tập cấy lúa, tập trồng và hái các loại thảo dược hay rau rừng; ngắm nhìn các con vật nuôi còn khá lạ lẫm với trẻ em thành phố như đà điểu, dê, thỏ, bò sữa và tự tay cho chúng ăn; chứng kiến cách bắt ong là xem cách làm mật ong nguyên chất…

Ông Vũ Đức Chí, Quản lý Trang trại đồng quê Ba Vì chia sẻ: "Khi đến Trang trại mình sẽ đi qua cánh đồng lúa để tham quan ngôi nhà tranh vách đất Khi mình di chuyển trên con đường cánh đồng lúa, thì hướng dẫn viên sẽ giới thiệu về cánh đồng, trực tiếp thấy người dân hiểu về các quy trình sản xuất. Sang nhà tranh vách đất thì mọi ngừoi sẽ được giới thiệu để hiểu thêm về ngôi nhà và vật dụng của người nông dân xưa, được sử dụng tận dụng với các vật liệu xung quanh và được tham gia các hoạt động"

Không chỉ là những trải nghiệm mới mẻ đối với những đứa trẻ mà những hoạt động du lịch nông nghiệp tại Trang trại đồng quê Ba Vì còn mang đến cho du khách như trở lại với tuổi thơ:

"Trải nghiệm làm một người nông dân ở đây là tôi được sống lại với tuổi thơ của mình vì tôi cũng từng là một người nông dân nên là tôi rất hanhj phúc khi được tự tay trồng cây lúa rồi trải nghiệm làm bánh hay là trải nghiệm cuốn thaí rau hay là cuốn cái nem…"

"Bây giờ mình cảm giác rất là thích thú và vui sướng vì được trải nghiệm cùng mọi người, được hoà cùng với mẹ thiên nhiên".

Không chỉ mang lại giá trị tinh thần cho các du khách, Ông Vũ Đức Chí chia sẻ, trang trại Đồng quê Ba Vì còn mang lại kinh tế cho bà con nông dân trên cùng diện tích canh tác và giúp bà con hoàn thiện hơn quy trình sản xuất, có được những sản phẩm chất lượng: "Mình hiểu được việc tăng gia sản xuất thế này là cũng rất tốt rồi để đem lại kinh tế. Và khi gắn kết du lịch thì kinh tế lại càng hiệu quả nữa. Mình cũng mong muốn là giới thiệu hết về nét văn hoá, nét đặc trưng và chi tiết kể từ những cái nhỏ nhất cho các em học sinh và các du khách".

Khi đến thăm quan Trang Trại Đồng Quê BaVi, ngoài việc nghỉ ngơi và ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên, hoang sơ của núi rừng Ba Vì thì du khách còn có thể tìm hiểu và khám phá các làng sản xuất nông nghiệp truyền thống, thưởng thức những món ăn đặc sản được chế biến từ nguyên liệu tươi sạch.

Khuôn viên 2ha bao gồm:

Các khu nhà gỗ cổ, nhà sàn Dao, nhà sàn Mường, khu rừng trúc, bể vầy. Một khu rừng thiên nhiên có khối gỗ lũa hóa thạch khổng lồ hàng vài trăm triệu năm.

Các hoạt động : Phục vụ ăn, ngủ, nghỉ đầy đủ tiện nghi và một số hoạt động thể thao như đá bóng, ném còn, kéo co v.v...

Số lượng khách có thể nghỉ qua đêm là 120, và trong ngày từ 100 đến 300 khách.

Du lịch ẩm thực: Xu hướng mới tạo đà cho du lịch Việt Ẩm thực Việt được ví như một “mỏ vàng” để phát triển du lịch. Tuy ...
18/07/2024

Du lịch ẩm thực: Xu hướng mới tạo đà cho du lịch Việt

Ẩm thực Việt được ví như một “mỏ vàng” để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để nâng tầm giá trị ẩm thực thành sản phẩm du lịch cần tạo điểm nhấn trong việc xây dựng, quảng bá tour cũng như món ăn đặc trưng của các vùng miền.
Từ nhiều năm nay, ẩm thực Việt Nam đã được các chuyên gia, truyền thông quốc tế đánh giá cao, nhiều món ăn lọt vào danh sách món ngon của thế giới. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng xác định văn hóa ẩm thực là dòng văn hóa chủ đạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thương hiệu du lịch quốc gia. Đây có thể xem là thế mạnh để thu hút du khách đến trải nghiệm và thưởng thức.

Ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Tổng thư ký Liên chi Hội Đầu bếp Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, ẩm thực luôn là thế mạnh của rất nhiều nước, không riêng gì Việt Nam, bởi ẩm thực gắn liền với văn hóa của một quốc gia. "Tiềm năng du lịch ẩm thực thu hút được rất nhiều sự đầu tư cũng như tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Theo nhiều kênh truyền hình và những tạp chí nổi tiếng của thế giới đánh giá và có những khảo sát nghiên cứu thì khách du lịch sẵn sàng có thể chi thêm khoảng từ 25 đến 30% cho các dịch vụ ẩm thực nói chung".

Ẩm thực Việt được ví như một “mỏ vàng” để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để nâng tầm giá trị ẩm thực thành sản phẩm du lịch cần tạo điểm nhấn trong việc xây dựng, quảng bá tour cũng như món ăn. Đặc biệt, với sự đa dạng và đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, nhiều du khách nước ngoài đã say lòng trước những tinh hoa ẩm thực của đất nước ta. Điều này cho thấy, ẩm thực Việt Nam là một lĩnh vực có nhiều lợi thế có thể hỗ trợ phát triển ngành du lịch.

Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta chỉ mới phát huy tốt lợi thế về di sản để phát triển du lịch, còn về ẩm thực thì chưa được khai thác hiệu quả. Các sản phẩm du lịch hiện nay mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của du khách và chủ yếu ở các thành phố lớn. Tại các địa phương đa phần các sản phẩm du lịch còn nhỏ lẻ, chưa có hệ thống... nên du khách cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm.

"Ẩm thực chính là văn hóa, cho nên nếu tách rời ẩm thực và văn hóa hoặc chưa chú trọng đến sự phát triển của ẩm thực thì là một thiếu sót. Khi chúng ta biết kết hợp ẩm thực và văn hóa thì khi đó sản phẩm du lịch ẩm thực mới có giá trị và mới tạo được điểm nhấn", ông Nguyễn Xuân Quỳnh bày tỏ.

Mặc dù ẩm thực Việt mặc dù mang nhiều nét tinh hoa văn hóa nhưng chưa được chú trọng quảng bá, đầu tư đúng nghĩa. Hoạt động xúc tiến quảng bá chỉ mang tính tự phát, thiếu kế hoạch, chưa có chiến lược lâu dài. Các chương trình quảng bá ẩm thực địa phương còn nhỏ lẻ, phạm vi bó hẹp, chưa thật sự tạo được thương hiệu và hình ảnh cho khách du lịch. Nhiều tỉnh, thành dù có đặc sản hấp dẫn nhưng chưa thể tiếp cận được với lượng lớn du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Chính vì thế, để ẩm thực trở thành một sản phẩm đặc trưng của du lịch thì cần rất nhiều yếu tố.

“Chúng ta nên có một chương trình mang tầm cỡ quốc gia nếu muốn quảng bá về ẩm thực Việt Nam. Đặc biệt phải xác định được sản phẩm nào là sản phẩm cốt lõi để quảng cáo cho một giai đoạn. Ví dụ khi chúng ta xác định ẩm thực là văn hóa và ẩm thực là một trong những mũi nhọn khác biệt của Việt Nam thì việc đầu tư, hình ảnh phải sâu rộng, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Phải có những chương trình đặc biệt về ẩm thực để giới thiệu với bạn bè quốc tế, hay những chương trình giao lưu văn hóa của các đại sứ quán ở các nước thì đây là kênh truyền thông vô cùng hiệu quả. Phải có những chương trình rộng và sâu để nhấn vào những đặc sản, những đặc biệt của ẩm thực Việt Nam”, ông Nguyễn Xuân Quỳnh lưu ý.

Có thể nói, ẩm thực vốn là một mắt xích không thể tách rời của ngành công nghiệp không khói, là một trong những đòn bẩy hữu dụng nhất để thúc đẩy du lịch phát triển. Bên cạnh đó, việc đưa ẩm thực đến gần du khách cũng là một cách để quảng bá văn hóa địa phương. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã nhận định nơi nào có dịch vụ ăn uống đặc sắc nơi đó có dấu ấn tốt với du khách, qua đó tạo niềm tin và giúp họ thỏa mãn nhu cầu khám phá nghệ thuật ẩm thực, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu bình quân và tạo nguồn thu cho địa phương.

Chúng ta đã có sẵn những tiềm năng, lợi thế về ẩm thực nhưng để biến nó thành sản phẩm du lịch mang lại trải nghiệm chân thực nhất cho du khách thì các đơn vị lữ hành cần phải có những nghiên cứu để hiểu sâu, hiểu rõ về sản phẩm bản địa của từng địa phương. Có như vậy mới xây dựng được những chương trình du lịch đặc biệt nhắm tới những thị trường đặc biệt, thu hút du khách đến Việt Nam.

Năm 2024 đánh dấu sự phát triển của du lịch văn hóa ẩm thực, nơi mà du khách không chỉ tham quan, mà còn tương tác sâu hơn với văn hóa địa phương thông qua vị giác. Xu hướng này mang lại những trải nghiệm độc đáo và không thể quên cho du khách trên toàn thế giới. Đây cũng là một trong những dòng sản phẩm quan trọng góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và quảng bá thương hiệu quốc gia nói chung cũng như thương hiệu du lịch Việt Nam nói riêng.

Theo Vov2.vov.vn

Quản Bạ (Hà Giang): Quy hoạch - Động lực để phát triển du lịch bền vữngLà huyện cửa ngõ của Công viên Địa chất toàn cầu ...
16/07/2024

Quản Bạ (Hà Giang): Quy hoạch - Động lực để phát triển du lịch bền vững

Là huyện cửa ngõ của Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang) có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, nhất về điều kiện tự nhiên, cảnh sắc cũng như sự đa dạng, đặc sắc về văn hóa các dân tộc. Việc thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển du lịch theo định hướng của tỉnh nên đã từng bước phát huy được tiềm năng, thế mạnh, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Nghỉ ngơi tại Khu nghỉ dưỡng H’Mông Village ở huyện Quản Bạ, gia đình ông Phạm Bá Lìn đến từ thành phố Thái Bình tỏ ra rất phấn khích và hài lòng về khu du lịch độc đáo này. Theo chia sẻ của ông Lìn, đây là một trong những điểm du lịch đẹp và hấp dẫn trên Cao nguyên đá bởi không gian kiến trúc, cảnh quan được tạo dựng rất thân thiện với đầy đủ các dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng cho du khách.

Khu nghỉ dưỡng H’Mong Village có diện tích lên đến 25ha, được chia làm hai phần có không gian yên tĩnh, giản dị nhưng sang trọng, nổi bật giữa núi rừng như một minh chứng sống động cho phát triển bền vững từ du lịch xanh. Đồng thời, tạo cơ hội cho người dân tham gia phát triển kinh tế từ du lịch.

Hiện, Quản Bạ đã và đang thực hiện tốt công tác quy hoạch du lịch. Tiêu biểu như đề án xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ; Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Bố Y, xã Quyết Tiến; xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, xã Tùng Vài, Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lùng Hẩu, xã Thái An… Tính đến nay huyện Quản Bạ có 14 điểm du lịch, trong đó có 2 điểm du lịch cấp tỉnh; 2 khách sạn; 20 nhà nghỉ, nhiều nhà hàng và cơ sở kinh doanh sản phẩm phục vụ du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Có thể khẳng định, việc huyện Quản Bạ làm tốt công tác quy hoạch đã góp phần vào sự phát triển của du lịch, dịch vụ, bao gồm cả hoạt động du lịch cộng đồng đã bảo tồn những giá trị, không gian văn hóa và giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn một cách ổn định, bền vững.

Theo HagiangTV.vn

Vĩnh Long: Nâng chất sản phẩm du lịch đặc thùSở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đang tiếp tục tập trung xây ...
16/07/2024

Vĩnh Long: Nâng chất sản phẩm du lịch đặc thù

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long đang tiếp tục tập trung xây dựng hoàn thiện các sản phẩm du lịch (DL) đặc thù của tỉnh nhằm từng bước hoàn thiện, đưa vào xây dựng tour, tuyến liên kết. Xác định 4 sản phẩm DL đặc thù, trong đó, quan tâm hoàn thiện sản phẩm DL homestay, tạo thương hiệu DL mạnh của tỉnh; đưa vào quảng bá, khai thác một số điểm DL làng nghề, DL nông nghiệp và DL văn hóa.

Homestay là sản phẩm chủ lực của tỉnh, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp các ngành và địa phương tích cực vận động các cơ sở homestay toàn tỉnh giữ vững chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm tại homestay thu hút du khách (nấu ăn, làm bánh, đạp xe khám phá nét đẹp làng quê, thưởng thức đờn ca tài tử, đốt đuốc đi xem hát bội,…).

Vừa qua có 2 điểm DL đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc nhóm dịch vụ DL cộng đồng, DL sinh thái và điểm DL, đó là: Điểm DL Nhà dừa CocoHome, huyện Long Hồ; Điểm DL Somo Farm, huyện Mang Thít.

Ngoài ra, sản phẩm này dần dần lan tỏa đến các địa phương khác trong tỉnh như: TX Bình Minh, huyện Vũng Liêm, huyện Trà Ôn và gần đây là huyện Tam Bình và huyện Mang Thít, từng bước gia tăng trải nghiệm cho du khách tại các vùng quê trong tỉnh.

Đây là sản phẩm thế mạnh truyền thống có dòng đời sản phẩm khá dài hơn 3 thập niên qua, nên rất cần đa dạng, nâng cấp và không ngừng làm mới sản phẩm.

Nếu như Homestay Út Trinh sáng tạo đưa vào chương trình lưu trú của khách nhiều hoạt động trải nghiệm ẩm thực, giao lưu văn hóa; thì Nhà dừa CocoHome đã và đang mạnh dạn đầu tư nhiều khu vườn mới lạ, nhiều loại trái cây tạo cảnh quan hấp dẫn, độc đáo thu hút sự yêu thích chụp ảnh cho khách tham quan.

Không dừng lại ở “mô hình” chỉ đơn thuần xem ngắm và chụp ảnh; một doanh nghiệp ở Vĩnh Long đã đưa vào chương trình tour cho khách những trải nghiệm thực tế ở nông thôn.

Đây chính là hướng đi đúng đắn, mang lại “giá trị thực” cho du khách cùng trực tiếp trồng trọt với nông dân ở ấp Phước Hanh A, xã Phước Hậu (huyện Long Hồ).

Ngay trên ruộng rẫy, du khách được nông dân hướng dẫn, giải thích cách thức trồng lúa, trồng hẹ truyền thống của người dân miền Tây ngày xưa, cùng với những ứng dụng tiến bộ khoa học ngày nay vào trồng trọt.

Trực tiếp lội sình, nhổ mạ cấy lúa hay cuốc đất lên liếp trồng hẹ… sẽ trở thành những trải nghiệm khó quên, những kỷ niệm nhớ mãi về một tour nông nghiệp cho những đoàn du khách quốc tế có những ngày thú vị ở Vĩnh Long.

Hình thức tour trải nghiệm thực tế này rất cần được sự quan tâm, hỗ trợ về nhiều mặt chuyên môn, kỹ năng tiếp khách, cũng như hỗ trợ kinh phí về đầu tư kết cấu hạ tầng, cảnh quan vệ sinh môi trường… đối với hộ nông dân ở xã Phước Hậu (huyện Long Hồ).

Đó là một hướng đi không mới nhưng nhiều năm qua chưa được các doanh nghiệp đầu tư làm tới nơi, tới chốn. Nhất là sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với hộ nông dân để xây dựng tour trải nghiệm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước rất cần thiết khảo sát, đánh giá thực trạng và có sự tư vấn để điều chỉnh lại những tour “vào vườn hái trái cây”.

Từ một chương trình tour mang sức hấp dẫn, bản sắc của miệt vườn, giờ đây đã có dấu hiệu “lão hóa sản phẩm” cũng như có nhiều phát sinh về “giá vé vào vườn”, về thực trạng cây trái nhiều lúc chưa đúng như quảng cáo của các… lái tàu.

Điều này sẽ làm ảnh hưởng chung đến thương hiệu DL Vĩnh Long, ảnh hưởng đến “tiếng thơm” con người miệt vườn chân chất, hiền hòa, hiếu khách.

Cùng với đó, cần làm mới sản phẩm homestay thông qua việc kết hợp cùng tour nông nghiệp, đưa du khách “3 cùng” với nông dân: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn khi đưa du khách tiếp cận sâu hơn với văn hóa bản địa.

Gợi ý với các doanh nghiệp, các nhà quản lý nên khảo sát, đánh giá một điểm gắn kết trong tour DL nông nghiệp trong nhiều năm qua đã làm một cách lặng lẽ của một hộ nông dân ở ấp Phước Hanh A, xã Phước Hậu (huyện Long Hồ).

Điều quan trọng không kém so với việc xây dựng sản phẩm DL, nó quyết định sự thành công hay thất bại của một tour DL đó chính là kiến thức nền của đội ngũ hướng dẫn viên DL.

Doanh nghiệp chưa nghĩ tới và chưa khai thác đội ngũ hướng dẫn viên cơ hữu, để phát huy tối đa sự thành công, cũng như nâng tầm, tạo sức hấp dẫn của một tour DL.

Đó là những người làm việc ở các lĩnh vực khác, họ có am hiểu sâu rộng về từng lĩnh vực như: nông nghiệp, lịch sử vùng đất, kiến thức rộng về văn hóa,… họ có thể phụ trách những tour chuyên đề có yêu cầu cao đối với du khách trong và cả ngoài nước.

Để cấp thẻ hướng dẫn viên DL không khó với thời hạn vài tháng, nhưng để có một hướng dẫn viên có kiến thức nền vững chắc, sâu rộng thì thật hiếm hoi.

Đã có không ít trường hợp hướng dẫn viên DL thuyết minh với khách nước ngoài những kiến thức rất sai lệch về văn hóa, lịch sử, vùng đất con người Việt Nam.

Một số công ty DL lớn của Nhật thường có những đoàn khách cao cấp yêu cầu theo chuyên đề: nhiếp ảnh, hội họa, báo chí, văn hóa, chùa chiền, nông nghiệp, lâm nghiệp… thường giám đốc hoặc lãnh đạo công ty sẽ trực tiếp bay sang Việt Nam phỏng vấn trực tiếp hướng dẫn viên DL chỉ riêng cho đoàn khách đó, nhằm bảo đảm trình độ ngoại ngữ, kiến thức riêng theo yêu cầu của đoàn. Đương nhiên, chi phí cho mỗi khách là rất cao.

Đây là những đòi hỏi khó nhưng không phải là không có cách làm. Vấn đề là cần những con người tâm huyết, những doanh nghiệp chấp nhận “đeo đuổi” những mục tiêu cao hơn, cao hơn nữa để nâng tầm sản phẩm DL địa phương.

Đặc biệt, tiến tới nâng tầm để các doanh nghiệp địa phương đủ uy tín ký kết trực tiếp với công ty nước ngoài, lúc đó chất lượng dịch vụ tour sẽ tốt hơn rất nhiều vì giá tour cao không phải qua nhiều tầng nấc trung gian.

Baovinhlong.vn

Hậu Giang phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vữngTỉnh Hậu Giang phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vữn...
01/07/2024

Hậu Giang phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững

Tỉnh Hậu Giang phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan vùng nông thôn.

Tiềm năng du lịch nông thôn

Nằm ở trung tâm vùng Tây sông Hậu, tỉnh Hậu Giang có lợi thế về hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc cùng với sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển nông - lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, đây còn là yếu tố quan trọng hình thành nên những nét văn hóa đặc sắc, để phát triển các loại hình du lịch nông thôn.

Để phát huy các giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa, tỉnh Hậu Giang đã triển khai nhiều loại hình dịch vụ du lịch nông thôn như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề và hơn hơn 20 điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Nói đến du lịch văn hóa, du khách đến với Hậu Giang không thể bỏ qua kênh Xáng Xà No. Kênh đào trải dài 40km, nối liền TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, đã làm nên “con đường lúa gạo” trứ danh vùng Tây sông Hậu và cũng là điểm nhấn cho ngành du lịch TP Vị Thanh. Đến đây, khách du lịch có dịp được trải nghiệm ngồi du thuyền ngắm vẻ đẹp hai bên bờ kênh đào, tìm hiểu các giá trị văn hóa, nghệ thuật và thưởng thức các sản phẩm OCOP đặc sắc của địa phương.

Cách TP Vị Thanh 40km hướng về huyện Phụng Hiệp là vườn tre đẹp nhất miền Tây của lão nông Tư Sang với tuổi đời gần 30 năm. Tại vườn tre Tư Sang du khách được hòa mình vào thiên nhiên, thưởng thức các loại trái cây, món ăn đậm chất miền Tây sông nước và tham gia các hoạt động trải nghiệm dân gian.

Ngoài ra, còn nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác như vườn khóm Cầu Đúc, chợ chồm hổm, vườn dâu Thiên Ân, khu du lịch sinh thái Mùa Xuân. Đây là minh chứng cho sự thành công trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên bản địa, giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Đặc biệt, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng với diện tích trên 2.800 ha, tại huyện Phụng Hiệp, không chỉ được mệnh danh là “lá phổi xanh” của khu vực ĐBSCL, còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học độc đáo với hơn 978 loài đã được ghi nhận. Ngoài ra, cảnh quan sinh thái khá nguyên vẹn của các đầm lầy, các lung bàu và rừng tràm sẽ là điểm nhấn cho ngành du lịch tỉnh Hậu Giang.

Đây là địa điểm lý tưởng để Hậu Giang phát triển các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên hoang sơ, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và du lịch nghỉ dưỡng gắn với thiên nhiên.

Du lịch nông thôn sức bật mới cho Hậu Giang

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, địa phương sẽ tiếp tục phát triển hoạt động du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông - lâm - ngư nghiệp, môi trường sinh thái nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng NTM bền vững.

Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang khẳng định, du lịch nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế vùng nông thôn, quảng bá sản phẩm OCOP địa phương. Triển khai xây dựng mô hình du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần tăng cơ hội tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp như trái cây, rau củ, sản phẩm chế biến, đặc sản và đồ thủ công. Từ đó, tạo ra giá trị gia tăng và thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực.

Ngoài ra, dịch vụ du lịch còn góp phần tăng doanh thu trực tiếp cho người dân địa phương từ việc tham gia vào các hoạt động du lịch như bán sản phẩm nông sản, cung cấp dịch vụ lưu trú, hướng dẫn viên. Tăng doanh thu gián tiếp cho một số ngành phụ trợ như chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ. Giải quyết bài toán công việc cho người dân địa phương, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa một cách hiệu quả.

Đẩy mạnh phát triển du lịch

Tuy nhiên trên thực tế, khi đến vùng sông nước miền Tây du lịch ít khi du khách tìm về Hậu Giang. Bà Đoàn Thu Trang một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, bà đến Hậu Giang du lịch thông qua sự giới thiệu của công ty lữ hành, trước đó bà chưa tiếp cận nhiều thông tin về dịch vụ du lịch ở địa phương này.

Do đó, để thu hút khách du lịch đến với Hậu Giang, địa phương sẽ tập trung tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh về con người và tài nguyên bản địa đến với du khách trong và ngoài nước. Cụ thể, các hoạt động du lịch sẽ được tổ chức thường xuyên; mạng xã hội sẽ được sử dụng để giới thiệu điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Ứng dụng big data trong ngành du lịch được sử dụng để phân tích dữ liệu, nắm bắt nhu cầu của du khách, từ đó đưa ra các sản phẩm và dịch vụ phù hợp. Xây dựng hệ thống quản lý khách hàng, lưu trữ thông tin du khách, phân tích hành vi và đưa ra các chương trình khuyến mãi phù hợp.

Ngoài ra, địa phương còn hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông thôn kết nối với du khách, tham gia các sàn thương mại điện tử du lịch.

Theo ông Hữu, Hậu Giang xác định nông nghiệp và du lịch là 2 trong 4 trụ cột của nền kinh tế địa phương. Do đó, địa phương đã triển khai kịp thời, đồng bộ chương trình phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn trong xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ. Hướng tới đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững. Sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái cảnh quan của khu vực nông thôn tỉnh. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng NTM bền vững.

Ngoài ra, việc phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, nước, điện, viễn thông để phục vụ du khách và hoạt động du lịch luôn được địa phương quan tâm thực hiện. Đảm bảo cơ sở hạ tầng được xây dựng và vận hành theo các tiêu chuẩn bền vững và bảo vệ môi trường.

Địa phương tập trung phát triển các sản phẩm OCOP, xây dựng các hoạt động trải nghiệm nông trại, nông nghiệp truyền thống, làm sản phẩm thủ công truyền thống từ các sản phẩm nông nghiệp. Nhằm đảm bảo các sản phẩm du lịch mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang sẽ xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, cộng đồng địa phương, nhà nông và các tổ chức phi chính phủ. Khuyến khích sự tương tác và hỗ trợ giữa các bên để tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững của du lịch nông thôn.

Nhằm đảm bảo các hoạt động du lịch được thực hiện theo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và tài nguyên nông nghiệp, địa phương khuyến khích sử dụng giải pháp nông nghiệp hữu cơ, quản lý chất thải và vệ sinh môi trường tại các khu vực đặc biệt như khu vực sinh quyển, vườn quốc gia.

Xây dựng hệ thống quản lý và quảng bá nhằm khắc phục tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu quy hoạch, nhỏ lẻ, không có sự khác biệt. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tập trung đào tạo nhân lực phục vụ du lịch, huấn luyện kỹ năng, thái độ ứng xử, phục vụ, lấy phương châm làm hài lòng du khách là mục tiêu của ngành du lịch.

Theo Nongnghiep.vn

Address

489 Hoàng Quốc Việt
Hanoi
100000

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Du lịch nông thôn Việt Nam posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Contact The Business

Send a message to Du lịch nông thôn Việt Nam:

Videos

Share

Nearby travel agencies