29/05/2021
[ Ninh Bình Story - 53 Vị Tướng Quê Ninh Bình ]
Để mở đầu cho chuỗi những bài viết về 53 vị tướng quê Ninh Bình trong thời đại Hồ Chí Minh, mình xin chọn vị tướng từng được nhiều người biết tới là 1 trong TỨ ĐẠI SƯ ĐOÀN TRƯỞNG của Việt Nam thông qua câu nói: Nhất Tấn – Nhì An – Tam Đan – Tứ Chơn. Đó chính là Thượng tướng Nguyễn Hữu An, một người con của Xã Trường Yên, Huyện Hoa Lư, Tỉnh Ninh Bình
💣 VỊ TƯỚNG TẤN CÔNG
Thượng tướng Nguyễn Hữu An được đích thân Đại tướng Võ Nguyễn Giáp mệnh danh là vị tướng của trận mạc. Ông có nhiều năm sát cánh bên cạnh Đại tướng Lê Trọng Tấn, người được mệnh danh là tướng đánh trận giỏi nhất Việt Nam để rồi trở thành cặp bài trùng ăn ý trên chiến trường khiến đối thủ phải khiếp sợ mỗi khi đối mặt, là bộ đôi huyền thoại KHÔNG CÓ ĐỐI THỦ trong hơn 20 năm chinh chiến.
Khác với tướng Hoàng Đan - một chuyên gia phòng ngự. Tướng Nguyễn Hữu An có cùng sở trường tấn công như Thượng tướng Nguyễn Chơn, nhưng ở tướng An vẫn có một sự khác biệt đó là: Tướng Nguyễn Chơn nổi tiếng với lối đánh "bóc trọc" nghĩa là đánh đến đâu tiêu diện gọn ghẽ, sạch sẽ tới đó, còn tướng Nguyễn Hữu An lại mang một phong cách tấn công hoàn toàn khác, ông nổi tiếng với những cuộc tấn công thần tốc, chóng vánh, chiến thuật của ông thường sử dụng là dùng mũi nhọn tinh nhuệ hoặc đội xe tăng xung kích xông thẳng vào cơ quan đầu não của đối phương để tiêu diệt, sẵn sàng bỏ qua mục tiêu nhỏ lẻ, để hướng tới mục tiêu lớn. Tuy nó có phần mạo hiểm, nó có thể là con dao hai lưỡi, nhưng thực sự lại là đỉnh cao của nghệ thuật tác chiến. Dưới cái tài thao lược của ông, ông chưa bao giờ gặp thất bại trong bất kỳ một trận đánh lớn nào.
🛡 VỊ TƯỚNG CỦA NHỮNG TRẬN ĐÁNH QUYẾT ĐỊNH
Tướng An sinh tháng 10/1926, tại cố đô Hoa Lư - Ninh Bình của Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh. Tháng 8/1945, ông bắt đầu tham gia nhập ngũ. Ông đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy các trận đánh ở đèo Bông Lau, Lũng Phầy năm 1949.
- Trong chiến dịch Biên giới năm 1950, ông là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 251 chủ công của trung đoàn 174 (Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 lúc này là Hùm Xám Đường Số 4 - Tiểu Napoleon Trung tá Đặng Văn Việt) tấn công và tiêu diệt đồn Đông Khê, mở đầu thắng lợi cho chiến dịch.
- Tiếp đó, tới chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Ông vinh dự trở thành vị Trung đoàn trưởng trẻ tuổi nhất trong QĐNDVN tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, khi ấy ông mới 28 tuổi.
Ông cùng trung đoàn 174 đã đánh bay cứ điểm đồi A1 mở toang cánh cửa thép vào sân bay Mường Thanh.
Năm 1964 trên cương vị sư đoàn trưởng, ông dẫn sư đoàn 325 vào miền Nam chiến đấu. Ông đã trực tiếp chỉ huy trung đoàn 101 thuộc sư 325 diệt gọn tiểu đoàn biệt động “ cọp đen” khét tiếng, là lực lượng tinh nhuệ nhất của VNCH lúc sao, rồi lại đánh thiệt hại nặng trung đoàn 44 quân lực VNCH.
Tháng 11 năm 1965 Ông trực tiếp chỉ huy Trận đánh Ia - ĐRăng huyền thoại. Cần biết rằng đây là chiến dịch đầu tiên mà Quân đội Nhân dân Việt Nam đụng độ với một số lượng lớn quân chủ lực Mỹ đó là Lữ đoàn kỵ binh không vận số 3. Với tài chỉ huy của mình, ông đã cùng Bộ Tư lệnh bày mưu, tạo thế, kéo quân Mỹ đến thung lũng Ia - Đrăng rồi vận động bao vây tiến công liên tục trong 10 tiếng đồng hồ, tiêu diệt phần lớn tiểu đoàn 1 và 1 đại đội của tiểu đoàn 2 quân Mỹ...Với trận đánh phủ đầu và việc chiến thắng Sư đoàn Kỵ binh số 1 của Mỹ khi quân Mỹ vừa vào Việt Nam đã tạo một tiếng vang lớn làm xóa tan đi tâm lý ngại Mỹ trong toàn quân. Một trận thắng mà chính các tướng lĩnh của Mỹ phải thừa nhận: “ IA ĐRăng là trận đánh đã làm thay đổi cuộc chiến tranh ở Việt Nam”.
🚀 VỊ TƯỚNG THẦN TỐC
Năm 1975, Thiếu tướng Nguyễn Hữu An là tư lệnh Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang). Quân đoàn 2 dưới sự chỉ huy của ông đã lần lượt giải phóng tỉnh Quảng Trị, thành phố Huế; và cùng với các lực lượng vũ trang quân khu 5, trong 3 ngày đêm đã đánh bại gần 10 vạn lính chủ lực cơ động của quân đội Việt Nam Cộng hòa tại căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng, sau đó ông đã chỉ huy toàn bộ quân đoàn hành quân gần 1000 km để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, sau khi tiêu diệt tuyến phòng thủ từ xa của quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Phan Rang chỉ trong vòng 24 giờ.
Cuộc hành quân thần tốc của Binh đoàn Hương Giang tiến vào Sài Gòn cũng chẳng hề kém cạnh gì so với "bước chân Tây Sơn" của Hoàng đế Quang Trung năm xưa. Mặc dù phải hành quân gần 1000km, ở hướng xa nhất, chính diện tiến công rộng nhất, chiều sâu đột phá lớn nhất... nhưng Quân đoàn 2 lại là đơn vị đến đích sớm nhất.
Năm 2015, Nhà nước vừa truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Thượng tướng Nguyễn Hữu An, vì những chiến công lẫy lừng từ trận Đông Khê, đồi A1 Điện Biên, chiến trường Lào, I-AĐrăng, Đường 9 nam Lào… và mũi tiến công trong hành tiến (tiến công vượt điểm) tại chiến dịch cuối cùng, Giải phóng hoàn toàn miền Nam.