13/01/2018
Những điều ít biết về mộ Hàn Mặc Tử
Đứng từ con đường mới mở chạy ngang sườn núi ven thành phố Quy Nhơn (Bình Định), vào những ngày trời ít sương mù, người ta có thể nhìn thấy những mái nhà của làng phong Quy Hòa lô xô ven biển. Con đường dốc đổ xuống nơi thi sỹ Hàn Mặc Tử sống những ngày cuối đời hơn nửa thế kỷ trước, lượn quanh co, vắng heo hút. Quy Nhơn còn lưu dấu nhiều vết tích của nhà thơ bạc mệnh này.
Một cái chết và những điều bất tử
Vốn là một làng tập trung các bệnh nhân mắc bệnh cùi (bệnh phong) được các nữ tu sỹ lập nên từ hơn một thế kỷ trước, tên tuổi làng phong Quy Hòa được nhiều người biết đến, cũng một phần bắt nguồn từ chuyện tình cờ gắn bó với cái chết của thi sỹ tài hoa Hàn Mặc Tử.
Hàn Mặc Tử trở thành một bệnh nhân của làng từ tháng 9/1940, đến 11/1940 thì qua đời trong bệnh tật. Căn phòng nơi Hàn trút hơi thở cuối cùng, nay trở thành nhà lưu niệm, vẫn giữ nguyên những đồ đạc đơn sơ ngày đó: chiếc giường cá nhân, chiếc ghế cùng vài vật dụng thông thường.
Ông được chôn trong nghĩa địa của làng dưới chân núi Trứng. Theo lời kể của những người chứng kiến thời đó, mộ của ông cũng không có gì đặc biệt so với các bệnh nhân khác: một nấm đất nhỏ như kích cỡ của hàng trăm ngôi mộ khác, xếp theo dãy thứ tự, nằm lặng lẽ trong muôn vàn cái chết lặng lẽ của người mắc bệnh cùi – vốn không có gia đình, hay nhiều bè bạn khi cuối đời.
Suốt 19 năm Hàn nằm lại trong nghĩa địa làng phong. Theo lời kể của nhiều nhà nghiên cứu về cuộc đời và thơ Hàn, trong thời gian đó, do hoàn cảnh chiến tranh, đường giao thông không thuận lợi và điều kiện khó khăn, nên mãi đến ngày 13/01/1959, gia đình và bạn bè mới cải táng (bốc mộ) sang địa điểm mới cho người đã chết. Buổi lễ cải táng cho nhà thơ được tiến hành khá đơn giản: chỉ có hai người chị, hai người em, ba người bạn và một vị linh mục tham dự.
Đến năm 1991, cố nhạc sỹ Trần Thiện Thanh (ca sỹ Nhật Trường) cùng một số nhạc sỹ khác yêu mến tài năng thơ trẻ này đã đóng góp tiền để xây dựng một ngôi mộ - đài tưởng niệm, trên nền mộ cũ của Hàn. Quần thể mộ gồm một khoảng sân, phía chính giữa là đài tưởng niệm có hình tượng một cây bút, cây thánh giá dựng trên cuốn thơ. Những nét uốn lượn của cuốn sách thơ, bệ tượng đài, hình phù điêu bao quanh khu mộ cũng dễ liên tưởng đến hình tượng vầng trăng khi khuyết lúc đầy, vốn luôn thấp thoáng ẩn hiện trong thơ Hàn.
Nhạc sỹ Trần Thiện Thanh vốn là một người rất yêu thơ Hàn. Những năm 1960, ông đã sáng tác bài hát nổi tiếng về Hàn Mặc Tử “Đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa...”. Người vợ của ông tên Nam Trân, nhưng hâm mộ thơ Hàn đến mức thêm ‘họ’ của nhà thơ vào trước tên mình thành Hàn Nam Trân.
Theo lời của một số người bạn nhạc sỹ kể lại, cảm động vì số phận của một nhà thơ lớn suốt hàng chục năm phải nằm nhỏ nhoi, quạnh quẽ, sau một lần viếng thăm mộ Hàn Mặc Tử, nhạc sỹ đã sáng tác bài hát nói trên và đau đáu nuôi ý định: “Nơi một thi sỹ lớn đã sống những ngày cuối đời và nằm cô quạnh suốt hai mươi năm, chẳng lẽ không có một dấu vết gì để nhớ?”.
Điều ước cuối cùng chưa thoả
Từ làng phong Quy Hòa, ngược dốc lên đường quốc lộ sát chân núi, rồi lại xuống dốc sang triền núi bên kia, qua quãng đường dăm cây số sẽ gặp khu mộ Hàn trên Ghềnh Ráng.
Theo lời kể của những người thân gia đình Hàn Mặc Tử, khi còn sống, Hàn đã từng tâm sự với bạn bè, muốn khi chết sẽ được chôn trên đèo Son là một địa điểm ở đầu thành phố Quy Nhơn, vì đó là khu vực dựa lưng vào núi, mặt quay ra biển. Nhớ lời Hàn năm xưa, sau khi bốc mộ, người thân của Hàn cũng muốn thực hiện ý muốn của người đã khuất, nhưng khi đó đèo Son là khu vực cấm nên mọi người đã chọn Ghềnh Ráng là khu vực cũng hội đủ những yếu tố như Hàn đã từng ao ước.
Từ Ghềnh Ráng, để lên đến mộ Hàn, du khách leo qua chừng hơn trăm bậc thang đá, giữa hai hàng cây song song chụm đầu vào nhau rì rào bốn mùa đón gió biển. Mộ Hàn nằm dựa lưng vào núi, nhìn bao quát cả dải bờ biển Quy Nhơn chạy dài trước mặt, hút trọn tầm mắt một phần thành phố Quy Nhơn. Dưới chân khu mộ, qua một vực đá thoai thoải với muôn vàn tảng đá nhiều hình thù xếp lớp, là sóng biển bốn mùa vỗ bờ.
Mộ rộng chừng dăm thước vuông, ốp đá đơn sơ, xung quanh tàn cây mát rượi. Dòng chữ lớn RIP (Rest in peace – Dịch nôm na: An nghỉ ngàn thu) màu trắng nổi bật trên nền đá ốp hồng. Phía trên đầu mộ là tượng Đức Mẹ Maria hiền từ nhìn xuống. Mộ chí không ghi tên ông là nhà thơ nổi tiếng mà chỉ ghi khiêm nhường “Đây an nghỉ trong tay Mẹ Maria: Hàn Mặc Tử, tức Phêrô Phanxicô Nguyễn Trọng Trí”.
Sáu mươi năm đã qua kể từ ngày Hàn Mặc Tử qua đời, theo lời kể của những người già trong khu vực, Ghềnh Ráng - làng phong Quy Hòa ngày ấy và bây giờ, vẫn mang dấu ấn Hàn Mặc Tử. Ra bãi biển Quy Hòa, lại chợt nhớ đây là nơi Hàn vẫn thường thơ thẩn mỗi chiều lẩm nhẩm những vần thơ; ngồi trên ngọn núi có những tảng đá lớn hình quả trứng bên những dãy nhà bệnh nhân cũ, lại chợt hỏi tảng đá này có phải Hàn đã từng ngồi chơi? Đêm ngắm trăng sáng bên Ghềnh Ráng, hiểu thêm nỗi đau của những người mắc bệnh cùi, cơn đau vật vã nhất thường kéo đến vào những tuần trăng...
Làng phong bây giờ được chia làm hai khu riêng biệt: khu điều trị bệnh nhân – hay còn gọi Bệnh viện phong – da liễu Trung ương Quy Hòa, và khu làng của những người đã khỏi bệnh, nhưng họ không trở về quê mà tụ họp lại với nhau chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình. Làng của những người đã lành bệnh có tên chính thức là Khu dân cư khu vực 2, phường Ghềnh Ráng.
Lần đầu tới làng phong, nếu không được nói trước, khách phương xa có lẽ không biết được đây là ngôi làng của những con người đã từng bị xã hội ghẻ lạnh, hắt hủi, xua đuổi theo hủ tục nhiều năm về trước. Làng phong nay cũng bình yên như ngàn vạn ngôi làng trên đất nước, có đường làng rợp bóng cây, có mắt trẻ khúc khích dõi theo dáng người khách lạ, có những ngư dân ngừng tay đan lưới dưới hiên nhà nở một nụ cười chào khách mới đến, có chú chó vằn ngoáy đuôi rối rít đón chủ về...
Làng bình yên như bức tranh trong thơ của Hàn mà ở đây, già trẻ gái trai ai cũng đều thuộc: “Trong làn nắng ửng khói mơ tan. Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng. Sột soạt gió trêu tà áo biếc. Trên giàn thiên lý bóng xuân sang”...