28/02/2017
Sự tích hoa ban núi rừng Tây Bắc
Hằng năm, cứ vào dịp tháng 2 âm lịch, thời tiết nắng ấm, ở vùng Tây Bắc hoa ban bắt đầu nở trắng núi, trắng rừng.
Hoa ban là một trong những sản vật của núi rừng Tây Bắc. Hàng nghìn đời nay, hoa ban đã rất tự nhiên đi vào đời sống văn hóa – tâm linh của nhân dân Tây Bắc, nhất là bà con thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái. Với đồng bào Thái, có lẽ không ai là không trải qua tuổi thanh xuân, với những trò chơi thú vị hái hoa ban và hát giao duyên. Trong ký ức của người đi xa, cùng với nỗi nhớ mường nhớ bản, nhớ người thân yêu, còn có nỗi nhớ da diết hoa ban vào mỗi độ xuân về.
Về loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, truyền thuyết của người Thái kể rằng: Thuở ấy, có một chàng trai tên là Khum đem lòng yêu cô gái tên là Ban. Khum vừa giỏi làm nương, lại có tài săn bắn. Ban thì khéo tay dệt vải lại có giọng hát làm say đắm nhiều chàng trai. Thế nhưng, cha nàng Ban vì ham giàu nên đã đem gả nàng cho con trai nhà tạo mường, vốn là một thanh niên lười nhác, lại có tật gù lưng. Mặc cho cô gái hết lời van xin, người cha vẫn không từ bỏ ý định, và ông đã bàn bạc cùng với nhà tạo mường sửa soạn làm lễ cưới cho hai người. Trong bước đường cùng, nàng Ban đã chạy sang bản của Khum gặp chàng để cầu cứu. Nhưng chẳng may khi đến nhà Khum, thì được tin chàng đã theo cha đi mua trâu ở bản xa. Nàng bèn lấy chiếc khăn piêu của mình, buộc vào nơi cầu thang nhà người rồi bươn bả đi tìm chàng. Nàng đi hết núi này, rừng khác, gọi tên người yêu đến khản cả giọng, nhưng chàng ở xa nào có nghe thấy. Cuối cùng kiệt sức nàng ngã gục sau khi vượt qua một dãy núi cao. Nơi nàng nằm xuống sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái. Và chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc, và hằng năm cứ mỗi độ xuân về, hoa nở trắng như bông. Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban.
Về phần Khum, sau khi về đến nhà, thấy chiếc khăn piêu của người yêu vắt nơi cầu thang, biết là có chuyện chẳng lành, bèn vội vã đi tìm nàng. Dò hỏi bà con bên bản người yêu, Khum biết được là nàng đã bỏ nhà ra đi, còn đi đâu thì không rõ. Thế là chàng trai lên đường đi tìm người yêu, đi mãi hết mường này, bản khác mà vẫn không tìm thấy bóng người yêu. Cuối cùng, chàng kiệt sức, ngã xuống. Sau khi chết, chàng hoá thành con chim sống lẻ loi trong rừng, và cứ đến mùa hoa ban nở, lại hót vang như tiếng gọi người yêu tha thiết từ năm nào.
Sơn La, cứ xuân sang, hoa ban nở trắng trên các sườn núi, thì nam nữ thanh niên trong các bản mường lại rủ nhau đi hội chơi núi, hái hoa mừng xuân. Đây cũng là dịp nam nữ thanh niên vui chơi, ca hát, đánh đàn tính, thổi kèn, múa xoè, trao và đón nhận tình yêu.
Từ sáng tinh mơ của ngày hội, tiếng trống, tiếng chiêng, âm vang truyền lan núi rừng. Các bếp nhà sàn bập bùng lửa đỏ: đồ xôi, luộc gà, thái măng; có nhà mổ lợn bày cỗ. Rượu cần từng vò lớn, nhỏ được bê ra để chuẩn bị đãi khách. Đó là những công việc phần lớn thuộc về lớp trung niên và người già. Còn những chàng trai, cô gái thì áo quần, khăn váy chỉnh tề, gọi nhau í ới và cùng đổ ra đường dẫn đến những cánh rừng có nhiều hoa ban nở. Họ chọn những cành hoa đẹp nhất, vừa hé nụ đều nhất để tặng người yêu và biếu bố mẹ. Theo quan niệm của người Thái, hoa ban không chỉ tượng trưng cho tình yêu, mà còn là biểu tượng của lòng hiếuu thảo, biết ơn.
Cũng trong ngày hội này, trên dòng Nậm Na, thường diễn ra các cuộc hát giao duyên của nam nữ trên thuyền. Thuyền trôi nhẹ trên dòng nước; các cô gái duyên dáng che ô ngồi ở mũi thuyền, bên cạnh những bó hoa ban tươi thắm vừa mới hái, cất lên tiếng hát những bài dân ca mượt mà, giãi bày cảm xúc và tâm trạng riêng tư, trong khi các chàng trai ngồi ở phía đuôi thuyền, vừa lái thuyền, vừa đánh đàn tính, thổi sáo.
Người Thái ở huyện Mộc Châu lại có thủ tục mở hội Xên bản, xên mường. Hội mở vào dịp hoa ban nở, nên còn có tên là hội Hoa ban. Hội tổ chức định kỳ hằng năm, nhưng quy mô to hay nhỏ còn tuỳ thuộc vào thời tiết có liên quan đến sự được, mất của mùa màng năm đó. Vào khoảng tháng giêng, người Thái rất chú trọng đến tiếng sấm đầu năm. Theo quan niệm lâu đời của đồng bào ở đây, tiếng sấm là dấu hiệu linh thiêng, là “lời phán quyết của vua trời” có liên quan đến cuộc sống của bản mường, của mùa màng năm đó.
Hội Xên bản, xên mường mở vào mùa hoa ban nở là hội cầu mùa, cầu phúc của người Thái. Lúc này cũng là thời kỳ lúa chiêm gặp mưa xuân, xanh mơn mởn trên các cách đồng lúa nước.
Họ gửi gắm vào đó những ước vọng lớn lao về một cuộc sống bình yên, no ấm nơi bản mường, đồng thời cũng là dịp thi tài, vui chơi, trai gái tìm hiểu, tâm tình qua tiếng hát, tiếng đàn…
Anh đã về quê hương em Tây Bắc
Ngắm hoa ban xuân đến nở trắng trời
Cánh hoa thắm hình tim người thiếu nữ
Hình tim nào cũng e ấp thành đôi.
Cây khẳng khiu dáng hình thanh mảnh
Anh nhớ em ngơ ngẩn bên đồi
Có phải nhớ thương hoá thành cánh trắng
Có phải mùa xuân, hoa thắm môi người
Có phải chút tình yêu mòn mỏi
Nén lòng này buốt thành giọt sương rơi
Có phải tình yêu qua đau khổ
Mới nên duyên thương nhớ trọn đời.
Anh đi qua những cánh rừng Tây Bắc
Mỗi con đường lác đác cánh hoa rơi
Tình em đã hoá thành Hoa Ban trắng
Hạnh phúc nào hơn… người mãi mãi yêu người.
Hoa Ban ơi Hoa Ban
Hoa cứ nở thắm trời hoa nhé
Hoa của tình yêu ngàn đời vẫn trẻ
“Tình yêu không có tuổi bao giờ…”
(Admin sưu tập từ nhiểu nguồn).